Đáng sợ như lũ lụt Pakistan: Từ đồng bằng thành hồ rộng 100 km
Trang CNN vừa qua đã công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy sông Indus tràn bờ do lũ lụt khiến một phần của tỉnh Sindh, Pakistan biến thành hồ rộng đến 100 km.
Theo đó, những bức ảnh trên được chụp từ cảm biến vệ tinh MODIS của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 28/8 cho thấy, mưa lớn và sông Indus tràn bờ đã làm ngập phần lớn tỉnh Sindh ở miền Nam Pakistan.
Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh của Công ty Maxar Technologies cũng cho thấy tại các khu vực khác của Pakistan, làng mạc và hàng trăm mảnh đất xanh tươi bị lũ lụt san bằng.
Cục Khí tượng Pakistan cảnh báo mùa mưa năm nay ở Pakistan sẽ ẩm ướt nhất kể từ năm 1961 và còn khoảng 1 tháng nữa mới bắt đầu.
Ở 2 tỉnh Sindh và Balochistan, lượng mưa cao hơn mức trung bình 500%, nhấn chìm toàn bộ làng mạc và đất nông nghiệp cũng như san bằng các tòa nhà và xóa sổ mùa màng. Ở giữa một bức ảnh, một vùng rộng lớn màu xanh đậm là sông Indus bị tràn bờ và làm ngập một khu vực rộng khoảng 100 km, biến nơi từng là cánh đồng thành một hồ nội địa khổng lồ.
Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cuối tuần trước so sánh nhiều khu vực của Pakistan “giống như một đại dương thu nhỏ” và từ 1/4 đến 1/3 lãnh thổ nước này sẽ bị ngập lụt.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Bilawal Bhutto Zardari cho biết ông đã đến thăm tỉnh Sindh và tận mắt chứng kiến mức độ tàn phá kinh hoàng của lũ lụt. Ông Zardari nói rằng thảm kịch ảnh hưởng tới khoảng 33 triệu người, nhiều hơn cả dân số của Sri Lanka hoặc Australia.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã đến tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở miền Bắc để kiểm tra thiệt hại do lũ lụt gây ra. Ông Sharif thừa nhận trận lũ ngày hồi cuối tháng 8 là “tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan”, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế.
Theo Chính phủ Pakistan và nhiều chuyên gia, “đại hồng thủy” Pakistan cho thấy các nước đang phát triển đang phải mang lấy gánh nặng như thế nào từ biến đổi khí hậu.
1/3 diện tích đất nước bị nhấn chìm, hơn 1.300 người thiệt mạng, 1,2 triệu ngôi nhà bị phá hủy và thiệt hại tài sản ít nhất 10 tỉ USD nhưng Pakistan góp chưa đến 1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu dù có tới 220 triệu dân. Vị trí địa lý đã khiến họ trở thành một trong những nước có nguy cơ chịu thiệt hại vì biến đổi khí hậu cao nhất thế giới.
Nông nghiệp chiếm tới 22,7% tổng sản phẩm quốc nội của Pakistan nên thiệt hại mùa màng do lũ là cực lớn. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), 80% cây trồng ở Sindh – nơi cung cấp 30% sản lượng bông toàn quốc – đã bị phá hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt may, nguồn cung việc làm và thu ngoại tệ của đất nước.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định tác động lan tỏa của thảm họa có thể khiến con số thiệt hại có thể lên tới 15-20 tỉ USD, sẽ xuất hiện với độ trễ mà theo chuyên gia kinh tế Shahrukh Wani từ ĐH Oxford, có thể phải mất nhiều tháng để xác định thiệt hại toàn diện. Chính phủ sẽ đối diện khó khăn nghiêm trọng trong việc giảm thâm hụt thương mại vì thời gian tới có thể phải nhập khẩu lương thực và bông.
Thách thức trước mắt mà kinh tế Pakistan sẽ phải đối mặt là hoàn thành các điều kiện tăng thuế và áp dụng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như một phần của thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về gói cứu trợ đã được phê duyệt tháng trước.
Bảo Trâm (Theo CNN)