Đằng sau vụ án 86 người giả nhân viên tín dụng bị bắt
Cả trăm cảnh sát ập vào 3 văn phòng trong các toà nhà, bắt 86 người giả nhân viên tín dụng các ngân hàng gợi ý khách rút tiền từ thẻ tín dụng để chiếm đoạt. Thông tin gây chấn động dư luận!
Công an quận Tân Bình phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt ập vào 3 văn phòng, tiến hành khám xét và tạm giữ 86 người có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông. Bước đầu, Cơ quan Công an xác định các đối tượng giả danh là nhân viên của ngân hàng phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm.
Không đi theo con đường dụ dỗ khách hàng đầu tư tiền ảo hay giả mạo thông báo trúng thưởng, khuyến mãi, hình thức lừa đảo được các tội phạm công nghệ cao trên áp dụng là vô cùng tinh vi và khó lường. Theo đó, các nghi can sẽ giả danh nhân viên đơn vị của các ngân hàng, gọi điện thoại tư vấn cho chủ thẻ, đồng thời gợi ý hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt bằng thẻ qua phần mềm và không mất phí.
Để làm được điều này, chủ thẻ phải chụp ảnh 2 mặt thẻ tín dụng, kèm mã OTP để thanh toán. Khi có các thông tin, nhóm này sử dụng phần mềm quẹt thẻ trên một website bán hàng, gửi mã OTP về cho chủ thẻ và yêu cầu họ cung cấp cho mình. Khi đã có đầy đủ điều kiện, các nghi can sẽ chuyển 75% số tiền mà khách muốn rút đồng thời âm thầm chuyển 25% hạn mức thẻ còn lại sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng, để chiếm đoạt.
Theo cơ quan điều tra, trên thực tế đã có rất nhiều nạn nhân bị sập bẫy với hành vi lừa đảo này. Tuy nhiên nhiều nạn nhân vẫn chưa phát hiện ra do họ được chuyển tiền thật nên tin tưởng và không để tâm đến 25% hạn mức còn lại. Mặt khác hình thức lừa đảo này chủ yếu đánh vào tâm lý khách hàng đang có nhu cầu cần tiền mặt gấp, giá trị tiền mặt cần rút là rất lớn. Do đó mà phí rút tiền mặt tại các ngân hàng sẽ thường khá cao. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã buông lời dụ dỗ, giả mạo nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền mà nạn nhân không hề hay biết.
Trên thực tế, tội phạm công nghệ cao là một thuật ngữ dùng để chỉ một loại tội phạm mới chuyên sử dụng mạng internet, viễn thông, máy tính hoặc các thiết bị số để thực hiện hành vi lừa đảo. Các chiêu trò lừa đảo của nhóm tội phạm này vô cùng tinh vi và rất khó để phát hiện ra. Tính đến nay đã có hàng trăm nghìn vụ lừa đảo do các tội phạm công nghệ cao thực hiện, với số lượng người bị hại ngày càng gia tăng.
TP.HCM là một trong những nơi có số lượng tội phạm công nghệ cao nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên việc theo dõi và đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao này là hết sức khó khăn và áp lực vì chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ mất dấu vết ngay. Các đối tượng lừa đảo qua mạng hầu hết đều không sử dụng thông tin thật mà thay vào đó họ sẽ sử dụng các tài khoản giả mạo để trao đổi, nhắn tin với khách hàng. Bên cạnh đó, các tội phạm công nghệ cao thường thực hiện hành vi lừa đảo rất nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết.
Qua sự việc này, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết, không cung cấp mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân và thông tin tài khoản cho người lạ. Đồng thời, trình báo ngay với cơ quan công an khi phát hiện thấy dấu hiệu bị lừa đảo.
Thiết nghĩ, thông qua những nỗ lực đấu tranh của các cơ quan chức năng cùng với công tác tuyên truyền được đẩy mạnh sẽ giúp cho ý thức cảnh giác của người dân ngày càng được nâng cao và số lượng tội phạm công nghệ cao sẽ giảm đi trong thời gian tới.
Minh Thanh