Đằng sau việc Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc xây ‘đảo nhân tạo’ phi pháp ở Biển Đông
Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) và 5 công ty con của họ nằm trong số 24 doanh nghiệp Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì tham gia xây các “đảo nhân tạo” trái phép ở Biển Đông. CCCC cũng đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Hôm 26/8, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quyết định liệt 24 công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể (Entity List), đồng nghĩa cấm những doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh với các công ty Mỹ.
Theo thông báo của Bộ trên, các công ty Trung Quốc bị trừng phạt vì “vai trò hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”. Theo lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, “các thực thể bị trừng phạt đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng đảo nhân tạo mang tính khiêu khích của Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm” về điều đó.
Tuy nhiên, tờ Washington Post đã lưu ý trong một báo cáo là, việc trừng phạt các công ty Trung Quốc sẽ ít có tác động trực tiếp, bởi đơn giản là họ không có nhiều lợi ích tài chính trong quan hệ thương mại với Mỹ. “Tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ cho các công ty trên chỉ chiếm 5 triệu USD trong 5 năm qua”, tờ báo dẫn nguồn tin quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết.
Thay vào đó, có vẻ như việc đưa các công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể sẽ có tác dụng ngăn cản các quốc gia khác tăng cường quan hệ kinh doanh với họ. Các biện pháp trừng phạt nhằm “những mục đích khác nhau, trong đó, tất nhiên bao gồm cả chi phí cho các tác nhân xấu và khuyến khích tất cả các bên, các thể chế và chính phủ trên khắp thế giới đánh giá rủi ro và xem xét lại các hợp đồng kinh doanh với những doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc mà chúng tôi đã xác định tại đây” – một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ Washington Post.
Và cuối cùng, dường như có một mục tiêu vượt lên trên các mục tiêu khác: Đó là Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC).
Chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nói: “CCCC dẫn đầu hoạt động nạo vét cho các tiền đồn ở Biển Đông của Trung Quốc và cũng là một trong những nhà thầu hàng đầu được Bắc Kinh sử dụng trong chiến lược toàn cầu ‘Vành đai và Con đường’. CCCC và các công ty con đã dính đến những hoạt động tham nhũng, tài chính ‘bóc lột’, phá hủy môi trường và các hành vi lạm dụng khác trên khắp thế giới”.
Mặc dù mục đích công khai của lệnh trừng phạt là liên quan đến việc xây dựng “đảo nhân tạo” phi pháp ở Biển Đông, nhưng theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, thì động thái này còn nhằm “đánh động” vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” bằng cách nhắm vào một trong những doanh nghiệp nhà nước chủ chốt của sáng kiến này.
CCCC là một công ty lớn, ngay cả khi xét theo các tiêu chí của doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc. Theo trang web của công ty này, thì họ “là công ty thiết kế và xây dựng cảng lớn nhất tại Trung Quốc, một công ty hàng đầu trong xây dựng và thiết kế cầu, đường, công ty xây dựng đường sắt hàng đầu ở Trung Quốc và cũng là công ty nạo vét lớn thứ hai trên thế giới”.
Với quy mô và lĩnh vực chuyên môn là xây dựng cơ sở hạ tầng, không có gì ngạc nhiên khi CCCC đã tham gia mật thiết vào nhiều dự án hàng đầu của BRI ở nước ngoài.
Đáng chú ý, CCCC có tới 34 công ty con, trong đó 5 công ty bị liệt trong Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ. Một số công ty trong số này đã tham gia trực tiếp vào các dự án của BRI ở nước ngoài. Chẳng hạn công ty CCCC Dredging (hiện đã bị liệt vào Danh sách Thực thể), hồi năm 2016 đã ký hợp đồng trị giá 328 triệu USD để thực hiện nạo vét và xây dựng cho Dự án Cảng Lớn Quốc tế Cebu tại Philippines.
Tuy nhiên, xét rộng hơn, Washington có thể hy vọng về một hiệu ứng mạnh ngay cả với các công ty con của CCCC hiện vẫn chưa bị liệt vào danh sách trừng phạt, chẳng hạn như Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC).
CHEC đang chịu trách nhiệm thi công 2 siêu dự án thuộc “Vành đai và Con đường” tại Sri Lanka. Họ đứng sau dự án 1,4 tỉ USD xây dựng Thành phố Cảng Mới Colombo tại Sri Lanka và tham gia dự án cảng Hambantota trị giá 1,5 tỉ USD – sau đó đã được cho một công ty Trung Quốc khác thuê để giúp Sri Lanka trang trải các khoản nợ.
CHEC cũng tham gia dự án cảng nước sâu trị giá 5,4 tỷ USD ở Kyaukpyu, Myanmar với tư cách là một phần của tập đoàn CITIC. Cả hai dự án ở Sri Lanka và Myanmar đều làm dấy lên những lo ngại chiến lược với Ấn Độ và Mỹ, vì chúng liên quan đến cơ sở hạ tầng cảng do Trung Quốc tài trợ trên Ấn Độ Dương. Các dự án này được cho là tăng cường cho chiến lược “chuỗi ngọc trai”, trong đó Trung Quốc tìm cách sử dụng cơ sở hạ tầng dân sự ở các nước quanh Ấn Độ Dương vào các mục đích chiến lược của Bắc Kinh.
Ngoài các cảng, CCCC còn tham gia xây dựng một số dự án đường sắt và đường bộ nổi bật nhất trong “Vành đai và Con đường”. Tại Đông Nam Á, công ty này là nhà thầu của dự án Kết nối Đường sắt Bờ Đông (East Coast Rail Link), một dự án BRI hàng đầu tại Malaysia. Công ty cũng chịu trách nhiệm về dự án Đường sắt Tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi-Naivasha ở Kenya và Addis Ababa – Ethiopia, cũng như dự án cao tốc nối Ethiopia với nước láng giềng Djibouti và cảng chiến lược của nước này.
Tầm với của CCCC còn vươn tới châu Âu. Tại Italy, quốc gia cũng tham gia BRI vào tháng 3/2019, CCCC sẽ giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng tại cảng Genoa và Trieste. Công ty của Trung Quốc còn đang thi công một phần dự án Đường sắt Budapest-Belgrade, mà Bắc Kinh muốn sử dụng để phô trương công nghệ đường sắt với châu Âu.
Rõ ràng, với sự hiện diện toàn cầu của CCCC, việc ngăn cản các nước khác làm ăn với công ty này là một mục tiêu đáng giá. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang ưu tiên sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc riêng lẻ để đạt được các mục tiêu chiến lược lớn hơn trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, thì giới quan sát đang chờ xem những công ty con nào khác của CCCC có thể sẽ bị liệt vào Danh sách Thực thể trong tương lai.
PV/TTXVN