Đằng sau thỏa thuận 50 tỉ USD nông sản: TQ “nắm đằng chuôi”, Mỹ phải nhượng bộ vì tổn thất chiến lược?
Hiện tại, việc “đình chiến” sẽ mở ra cho Bắc Kinh cơ hội được bỏ qua những nhượng bộ mà nước này không muốn.
Kết quả đàm phán mới nhất
Một số nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang “chiến thắng” trong những cuộc đối thoại thương mại trong tuần này giữa bối cảnh Mỹ tạm gác lại một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc và hoãn một số yêu cầu được nêu ra trước đó trong các vòng đàm phán. Đổi lại, Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng nông sản Mỹ hơn.
Hai quốc gia đã bắt đầu tiến tới thỏa thuận thương mại trong vài ngày qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Mỹ sẽ hoãn việc tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc vào tuần với trong khi Bắc Kinh cam kết mua khoảng 40-50 tỉ USD hàng nông sản của Mỹ – mặc dù Trung Quốc chưa xác nhận điều này.
Theo ông Trump, một thỏa thuận thương mại sẽ dần đạt được trong 3 giai đoạn và các vấn đề phức tạp hơn sẽ được đề cập sau, ví dụ như cưỡng ép chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại.
Hiện tại, việc “đình chiến” sẽ mở ra cho Bắc Kinh cơ hội được bỏ qua những nhượng bộ mà nước này không muốn.
“Phía Trung Quốc sẽ rất vui với kết quả này,” Arthur R. Kroeber, nhà sáng lập công ty tư vấn có trụ sở ở Bắc Kinh, nhận định. “Quan điểm đàm phán của Trung Quốc vẫn luôn là: càng trì hoãn đàm phán, thì càng đạt được kết quả tốt hơn”.
Phía Trung Quốc chưa đưa ra chi tiết của hoạt động đàm phán, bao gồm việc có mua thêm 50 tỉ USD nông sản Mỹ hay không. Nếu đạt được mốc này, khối lượng mua nông sản còn vượt mức 21 tỉ USD đạt được trong năm 2017, trước chiến tranh thương mại không lâu.
Ngày 12/10, ông Trump vui vẻ chia sẻ kết quả trên Twitter cá nhân của mình: “Thỏa thuận mà tôi vừa có được với Trung Quốc, cho tới nay, là thỏa thuận lớn nhất, tuyệt vời nhất mà chúng ta từng đạt được đối với Những Người Nông dân Yêu nước Vĩ đại. Trên thực tế, nhiều người hỏi rằng chúng ta có thể sản xuất được nhiều nông sản như vậy không? Những người nông dân Mỹ sẽ tìm ra cách. Cảm ơn Trung Quốc!”
Bắc Kinh nắm lợi thế?
Một số nguồn tin cho hay các quan chức Bắc Kinh vẫn yêu cầu rằng việc mua nông sản phải phù hợp với nhu cầu thực sự của các công ty Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, và phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc hạn chế kiểm soát thị trường. Các nhà đàm phán Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ không hạn chế mua hàng từ các nước khác (ví dụ như Brazil) chỉ để đáp ứng yêu cầu của Mỹ.
Quan điểm của Bắc Kinh có thể dẫn tới bất đồng giữa hai bên về khối lượng và thời gian mua nông sản Mỹ, và liệu 50 tỉ USD có phải là một mục tiêu nhất định phải đạt được hay không. Truyền thông và Bộ Thương mại Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.
Mặc dù Bắc Kinh đã thành công trong việc buộc ông Trump phải trì hoãn áp thuế quan tăng cường, nhưng vẫn không thể buộc các nhà đàm phán Mỹ xóa bỏ các thuế quan đang được áp với hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Tổng thống Trump cho biết ông và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ gặp và kí giai đoạn đầu của thỏa thuận vào giữa tháng 11, tại thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Chile và khó có khả năng Mỹ sẽ tăng thuế quan một khi đã kí kết thỏa thuận.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đề cập tới vấn đề biểu tình ở Hong Kong nhưng cho rằng ngày càng có ít người biểu tình hơn và mọi vấn đề sẽ dần được giải quyết.
Theo Wall Street Journal, đây cũng được coi là một “chiến thắng” của Trung Quốc bởi Mỹ đã không đem các vấn đề phi thương mại vào đàm phán.
Một số doanh nghiệp hoan nghênh đình chiến thương mại vì những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến này đối với nền kinh tế và đầu tư toàn cầu.
Trong cuộc gặp gần đây với các đại diện thương mại Mỹ, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngầm hàm ý rằng Bắc Kinh rất trông đợi vào một thỏa thuận đình chiến với Mỹ. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thể cũng sẽ gây ra áp lực không nhỏ với ông Trump trong việc hồi phục thị trường.
Theo các quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đối thoại Washington nhưng sẽ tránh các yêu cầu của phía Mỹ.
“Quan điểm của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi và cơ bản của quốc gia sẽ không thể nào bị lung lay. Về vấn đề nguyên tắc, vấn đề sẽ không thể được giải quyết bằng cách áp lực Trung Quốc,” tờ Nhân dân Nhật báo viết.
Linh Đan/Soha News