+
Aa
-
like
comment

Đằng sau sự kiện Thủ tướng Anh từ chức

Khánh Đăng - 09/07/2022 19:52

Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức sau hàng loạt vụ bê bối cá nhân và trước sức ép ngày càng lớn từ Đảng Bảo thủ cầm quyền. Mặc dù là sự kiện gây xôn xao dư luận trong những ngày qua nhưng cũng không quá ngạc nhiên. Bởi đó là kết quả không thể đảo ngược cho những bất lực của Chính phủ Anh khi đối mặt với các bất ổn trong và ngoài nước.

Thủ tướng Anh phát biểu từ chức.

Khoảng một nửa thành viên trong nội các từ nhiệm, toàn Đảng Bảo thủ gây áp lực. Kịch tính nhất là việc chưa đầy hai ngày sau khi được bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi cũng đã kêu gọi Thủ tướng từ chức. Có nhiều nguyên nhân, đầu tiên xuất phát từ việc Thủ tướng tham dự một buổi tiệc ngay tại nơi ở và văn phòng của mình trong khoảng thời gian mà những quy định về phong tỏa Covid-19 còn rất gắt gao.

Tiếp đến là việc ông bổ nhiệm nghị sĩ Chris Pincher vào vị trí Phó Quản lý Kỷ luật trong Đảng Bảo thủ. Trong khi, chính trị gia này là đối tượng bị khiếu nại về hành vi liên quan tới quấy rối tình dục.

Điều đáng nói, bên cạnh khủng hoảng chính trị thì kinh tế cũng góp phần không nhỏ đến việc Boris Johnson từ giã quyền lực tại Anh. Trong đó, nổi bật hơn cả là tình hình lạm phát. Theo những số liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, lạm phát trong 2022 của nước này đã lên mức cao nhất trong 40 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ lương và giá cả sinh hoạt của người lao động.

Chưa kể, 3 năm Covid-19 vừa qua đã bộc lộ rõ những hạn chế của nền y tế nước này. Cái chết của hàng trăm nghìn người và sự chậm trễ của chính sách phong tỏa, phòng ngừa đã cho thấy hoạt động của Chính phủ Anh dưới sự lãnh đạo của ông Boris Johnson chưa hiệu quả. Không những thế, việc cắt giảm lịch trình vận chuyển, cả xe buýt và xe lửa, cùng sự hỗn loạn trong ngành hàng không đang cản trở du khách trong và ngoài nước, trì hoãn việc phục hồi. Hơn nữa, lạm phát tăng cao do xung đột tại Ukraine đã làm suy yếu nền kinh tế nước này.

Thực tế đó càng nghiêm trọng bởi các chính sách Brexit có phần cực đoan của Chính phủ. Thay vì có những điều chỉnh thích hợp và kịp thời thì Chính phủ Anh đã khoanh tay đứng nhìn và tập trung mọi nguồn lực vào một diễn biến chính trị khác và xa hơn tại Ukraine. Kết quả như thế nào thì ai cũng rõ, một nước Anh suy thoái và khủng hoảng, đang chia rẽ sâu sắc trước các lựa chọn giữa “mở cửa” hoặc “đóng mình”. Và uy tín của Chính phủ Anh và Thủ tướng cũng tụt dốc theo đó.

Một khủng hoảng chính trị và kinh tế đã đẩy đảo quốc phía Tây châu Âu vào một cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng có, buộc mọi chính trị gia ở nước này không thể không quan tâm. Chỉ tính riêng trong tuần đầu tháng 7/2022, hàng chục nghìn công nhân đường sắt Anh đã xuống đường đình công với quy mô lớn và khiến hệ thống đường sắt gần như tê liệt suốt nhiều ngày. Hàng loạt cuộc biểu tình đòi tăng lương, giảm giá cả sinh hoạt cũng đã nổ ra trên cả nước, tình trạng thiếu việc làm sau đại dịch. Nguyên nhân vì Chính phủ Anh đã loại bỏ các chương trình học nghề và chỉ để lại các chương trình có mức học phí cao, trong khi hàng triệu lao động đang thất nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp thiếu công nhân. Chủ trương được cho quan liêu và không thực tế.

Các nhân viên đường sắt đình công tại thị trấn Crewe, hạt Cheshire, Anh.

Có thể thấy, sự kiện Thủ tướng Anh từ chức không phải là một biến cố quá bất ngờ. Nó xuất phát từ những khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội bên trong quốc gia này, với những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa các cặp quan hệ: “Chính phủ – nghị viện”, “Chính phủ – người dân”. Ông Boris Johnson đã chấp nhận giã từ “cuộc chơi” quyền lực để mở ra một tương lai mới cho nước Anh. Nhưng một nước Anh “hậu Johnson” vẫn còn khá tăm tối và ảm đạm. Biến cố của nước Anh đã một lần nữa cho thấy nhưng góc tối tiềm ẩn với châu Âu. Bất kể đó là lỗi của Chính phủ hay cá nhân Thủ tướng thì vẫn không thể phủ nhận rằng: Những đợt sóng ngầm đã manh nha tại châu Âu và nước Anh là trường hợp điển hình cho thực tế ấy.

Tuy nhiên, thông qua sự kiện đặc biệt này, nhiều người cũng có dịp nhìn thấy vai trò của chính sách đối nội quan trọng như thế nào đối với sự ổn định của một quốc gia. Chính sách đối nội có phù hợp và hiệu quả thì quốc gia mới phát triển một cách ổn định. Đặt lợi ích của nhân dân và quốc gia lên trên hết không chỉ là nguyên tắc, mà còn là yêu cầu số một cho sự tồn tại của bất kỳ chế độ chính trị nào trên thế giới, không riêng gì nước Anh. Bởi suy cho cùng, một chính phủ được dựng nên trước hết phải đáp ứng được các yêu cầu của người dân và sự phát triển.

Đăng Võ

Bài mới
Đọc nhiều