+
Aa
-
like
comment

Đằng sau những tin đồn tấn công Qatar là mưu đồ gì?

Huy Hoàng - 30/11/2022 10:57

Những lời lẽ công kích, những tin đồn thất thiệt nhằm vào nước chủ nhà Qatar của giới truyền thông phương Tây đã diễn ra ngay trong những ngày thế giới đang tận hưởng mùa World Cup 2022. Và đằng sau nó là gì?

Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani phát biểu trong đêm khai mạc World Cup 2022, tại sân vận động Al Bayt trong thành phố Al Khor ngày 20/11.

Trước World Cup 2022, ít ai nhắc nhiều đến Qatar. Là một đất nước nhỏ về diện tích, Qatar đã phải dành ra 12 năm ròng rã và đầu tư số tiền lên tới 220 tỷ USD, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng để giành được quyền chính thức đăng cai World Cup 2022.

Sau tất cả, Qatar đang nỗ lực hết mình để đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, tập trung nhiều hơn cho các lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Và World Cup 2022 chính là bàn đạp để đất nước này thực hiện hóa mục tiêu đó.

Nỗ lực đăng cai World Cup 2022 được xem là một động lực quan trọng để Qatar quảng bá đất nước mình và thu hút đầu tư. Những dự án này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng cho những nỗ lực thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của Qatar ở thời kỳ hậu World Cup. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng tỷ đô dùng để tổ chức World Cup đó còn là nhằm mục đích thu hút các loại sự kiện lớn khác, diễn ra thường xuyên hơn.

Lễ khai mạc World Cup 2022 đậm sắc màu ánh sáng và văn hóa trên toàn cầu

Mặt khác, World Cup 2022 cũng đã thuyết phục hàng triệu người lần đầu tiên đặt chân đến bán đảo nhỏ bé, khô cằn nhô ra từ vùng vịnh Ba Tư này, từng bị tai tiếng là nơi chứa chấp các phần tử khủng bố Taliban. Có thể nói, Qatar đã không tiếc tiền tận dụng cơ hội từ World Cup để đem đến lợi ích của quốc gia.

Tuy nhiên, những nỗ lực làm mới hình ảnh của Qatar lại có nguy cơ bị phai nhòa do những chỉ trích quá đà của truyền thông phương Tây. Theo đó, vào ngày đầu khởi chiếu, đài BBC nước Anh đã thẳng tay cắt bỏ buổi công chiếu lễ khai mạc World Cup 2022, có nội dung giới thiệu về đất nước Qatar, để phát sóng một chương trình khác nhưng với nội dung là chỉ trích nước chủ nhà Qatar. Họ lên án cách Qatar đối xử với lao động nhập cư và người đồng tính, cũng như đối xử bất bình đẳng với phụ nữ tại quốc gia này. Hay như một hành động khác là của đội tuyển Đức, dùng tay che miệng để phản đối việc Qatar không công nhận cộng đồng LGBTQ và coi đồng tính là bất hợp pháp.

Các tuyển thủ Đức dùng tay bịt miệng trong thủ tục chụp ảnh tập thể trước trận ra quân World Cup 2022 gặp Nhật trên sân Khalifa, Doha ngày 23/11.

Không chỉ vậy hàng loạt những tin đồn được rải đầy trên mạng xã hội từ việc thỏa thuận mua trận thắng của Qatar cho đến thuê công nhân đi cổ vũ… xuất hiện với tần suất dày đặc xung quanh World cup. Một loạt những động thái trên cũng ít nhiều đã làm dư luận các nước phương Tây có một cái nhìn tiêu cực về đất nước Qatar. Có vẻ như truyền thông phương Tây đang cố gầy dựng nên, những hình ảnh bảo thủ về đất nước Hồi giáo. Du khách sẽ không đến Qatar nếu họ có những suy nghĩ tiêu cực về quốc gia này.

Trong số những vấn đề giới truyền thông phương Tây nhắm vào Qatar, có thể thấy rất rõ một trong số đó là vấn đề về LGBT. Mặc dù luật pháp Qatar hiện nay quy định người đồng tính có thể bị phạt tiền và đối mặt án tù. Tuy nhiên, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đã khẳng định mọi người đều được chào đón khi dự World Cup diễn ra ở nước này, kể cả những người hâm mộ bóng đá đồng tính.

Nhìn từ Qatar, có thể thấy giới truyền thông phương Tây dường như đang có một sự nhầm lẫn rất lớn giữa việc không phản đối LGBT và việc tuyên truyền LGBT. Việc có xu hướng ngả dần sang tuyên truyền LGBT cho thấy những động thái mang tính cưỡng bức văn hóa của phương Tây đang ngày một mạnh mẽ hơn. Và họ đang dùng chính chiêu bài đó để tấn công những nước Trung Đông vừa có dầu mỏ, lại đang vừa có cơ hội “bung mình” khỏi những vùng đất khô cằn, sa mạc.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều