+
Aa
-
like
comment

Đằng sau luận điệu “Việt Nam ngăn cản dân chủ cho Đài Loan”?

Bảo An - 04/08/2022 17:00

Liên quan những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đáp chuyến thăm đến Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ quan điểm: “Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc và mong muốn các bên kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển“.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) gặp gỡ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sáng 3/8.

Đáng bàn, không ít kẻ núp danh “dân chủ” đã lợi dụng phát biểu để công kích, hướng lái xuyên tạc chủ trương đường lối đối ngoại của Việt Nam là “ngăn cản dân chủ cho Đài Loan“, “Việt Nam lo sợ Trung Quốc, không dám lên tiếng bảo vệ dân chủ“,…Thậm chí, không ít kẻ còn rêu rao rằng, “Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo nên phải ủng hộ Mỹ trong vấn đề Đài Loan mới có cơ hội lấy lại đảo bị xâm chiếm“. Đây là những luận điệu sai lệch, phiến diện, mơ hồ và không thể chấp nhận được.

Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia có trách nhiệm tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia có chủ quyền khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của của quốc gia khác và tôn trọng quyền được tự quyết định vận mệnh của chính các quốc gia mà không có sự can thiệp, lật đổ và áp đặt từ bên ngoài. Ngày 25/10/1971, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2758 về “một Trung Quốc”. Theo đó, Liên hợp quốc công nhận đại diện của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại đây. Vì vậy, Việt Nam khẳng định quan điểm kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc” là hoàn toàn đúng với quy định của luật pháp quốc tế.

Đồng thời, liên quan đến việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đáp máy bay xuống đảo Đài Loan, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cũng nêu rõ: “Chính sách của Liên Hợp Quốc về vấn đề này tuân theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng năm 1971 về ‘một Trung Quốc’”. Mặt khác, tại khoản 3, Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 ghi nhận: “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý”. Vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc là câu chuyện nội bộ. Do đó, không có lý do gì để Việt Nam có thể can thiệp, bênh bên này, hạ bệ bên kia. Vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm chỉ là Đài Loan và Trung Quốc không gia tăng căng thẳng, không gây ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực.

Có những kẻ nói tiếng Việt nhưng lại “tự nhục”, quay lưng tấn công chính đất nước mình. Có những kẻ đi “đòi hoà bình” cho quốc gia khác nhưng lại “mời” kẻ khác xâm chiếm Tổ quốc mình. Có những kẻ “khóc cho nền dân chủ” của một đất nước xa xôi chưa bao giờ đặt chân đến nhưng lại xỉa xói sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc. Có những kẻ phá hoại hoà bình, ổn định của đất nước nhưng lại cho mình là “người giải cứu thế giới”. Thực sự quá lạ lùng!

Thiết nghĩ các “nhà dân chủ” hãy tu tâm, tu tính, giữ lại phúc đức cho chính bản thân mình. Đừng để như Bạch Hồng Quyền, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…, khi “trắng mắt” tại “xứ thiên đường” mới mong tìm đường về Tổ quốc thì đã quá muộn.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều