+
Aa
-
like
comment

Đằng sau luận điệu “chọn phe” từ chuyến công du của Tổng bí thư

An Diễm - 30/10/2022 15:03

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc nhận được rất nhiều sự chú ý, không chỉ từ dư luận tiến bộ trong nước và quốc tế, mà còn từ nhiều trang tin và các tổ chức thiếu thiện cảm khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Với sự phát triển vượt bậc về kinh tế trong những năm qua, Việt nam đang trở thành một quốc gia quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Mỗi động thái hay hoạt động ngoại giao của Việt Nam vì vậy đều thu hút được nhiều sự chú ý, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang lâm vào khủng hoảng về địa chính trị, các cường quốc phân cực mạnh mẽ. Khi các cường quốc gia tăng sức ép để lôi kéo đồng minh, những quốc gia nhỏ hơn phải chịu rất nhiều áp lực về việc chọn phe, làm gì hoặc không làm gì. Chỉ có những quốc gia với tiềm lực nhất định, khéo léo, có bản lĩnh mới có thể cân bằng tình thế để đảm bảo lợi ích cho dân tộc.

Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các cường quốc trên thế giới, lại nằm ở vị trí địa lý quan trọng, dân số đông và một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Điều này quá đủ để nói lên vị thế của Việt Nam, và nó khiến cho những người có thiện cảm thì tự hào, những kẻ ác ý, đố kỵ thì ganh ghét. Một trong những chủ đề của các trang tin hay tổ chức thiếu thiện cảm với Việt Nam từ xưa đến nay luôn là mối quan hệ với Trung Quốc. Cứ mỗi khi có một sự kiện ngoại giao nào đó, đặc biệt là cấp cao thì luôn xuất hiện rất nhiều tin đồn.

Như mới đây, khi có thông tin chính thức về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc, RFA đã tung ngay ra thuyết âm mưu, “nguy cơ Việt Nam sẽ nhân nhượng trong các vấn đề biển đảo, hay Trung Quốc đang đối địch với phương Tây thì Việt Nam có thể sẽ chọn phe”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến viếng và đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2017

Với đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, chúng ta đang vững vàng trong thời kỳ mà có lẽ thế giới trở nên bất ổn nhất kể từ sau thế chiến thứ II. Thế giới đang bước vào một thời kỳ mà không một quốc gia nào đủ khả năng chi phối toàn bộ các nước khác nữa. Dù muốn, dù không thì cả thế giới đều thừa nhận rằng Mỹ hay Trung Quốc đều là những cường quốc với tầm ảnh hưởng bao trùm, khiến cho không một quốc gia nào muốn chọn phe. Năm 2021, Australia và Trung Quốc có mối quan hệ rất căng thẳng, nhưng chỉ sau một năm khi Chính phủ mới nhậm chức họ đã phát tín hiệu cải thiện quan hệ với sự tiếp xúc thông qua mọi kênh ngoại giao. Và sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì được biết Thủ tướng Đức cũng chuẩn bị lên đường sang thăm Trung Quốc.

Kiểu thông tin một chiều, kèm theo “thuyết âm mưu” của RFA hay các trang tin và tổ chức hải ngoại khác là thứ mà ai cũng hiểu xuất phát từ đâu, và muốn đẩy Việt Nam vào tình thế khó khăn như thế nào. Đó là thứ thông tin lỗi thời, tiêu cực và chắc chắn sẽ càng ngày càng mất độc giả vì sự ngô nghê, thiển cận. Tuy nhiên, nó cũng nói lên rằng vị thế của Việt Nam đã đạt đến mức mà mọi động thái ngoại giao của chúng ta, dù nhỏ hay lớn đều gây chú ý trên trường quốc tế.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều