Đằng sau kỳ tích, Việt Nam lọt top 30 nước xuất nhập khẩu lớn nhất toàn cầu

27 năm trước, thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN (1995) mà có ai đó nói rằng trong tương lai sẽ đứng vào top 30 nước xuất nhập khẩu lớn nhất toàn cầu, thì chắc chắn sẽ bị cho là hoang tưởng.

27 năm sau, Việt Nam đã có một diện mạo hoàn toàn khác. Nước ta liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ được Tổ chức Thương Thế giới (WTO) xếp hạng có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây.

Nhân chuyến công du châu Âu, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – EU của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta có cơ hội nhìn lại quá trình phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Gần 5 năm đầu sau khi là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam vẫn chỉ là nước xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng truyền thống như: gạo, thủy hải sản, may mặc, giày da, một số nông sản, thực phẩm chế biến (đặc biệt là mì gói, gia vị), với giá trị không cao, và bị các đối tác xuất khẩu khác như Trung Quốc, và một số nước ASEAN, Mỹ La Tinh cạnh tranh gay gắt.

Thấy được hạn chế đó, chỉ thị số 22/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã kịp thời vạch ra hướng mới cho lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Chỉ thị nhấn mạnh đến nội dung ưu tiên cho xuất khẩu, tăng tốc xuất khẩu trên mọi lĩnh vực, tạo nguồn hàng có chất lượng, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao để xuất khẩu.

Trong giai đoạn này, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong cải cách chính sách đầu tư, chính sách thuế, hải quan và xuất nhập khẩu, nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam đã thành công.

Là thành viên thứ 150 của WTO, Việt Nam bắt đầu phải năng động và có trách nhiệm hơn với cộng đồng doanh thương quốc tế. Các chính sách ngoại thương đã dần được chuẩn hóa theo hướng tiệm cận với những cam kết của nước ta đối với quá trình hội nhập WTO.

Xuất khẩu sau khi Việt Nam gia nhập WTO bắt đầu chuyển hướng sang “tinh” thay vì “thô” như trước đó. Các sản phẩm, dịch vụ chế biến với giá trị gia tăng cao, các sản phẩm chế tạo có hàm lượng chất xám, công nghệ cao được chú trọng khuyến khích xuất khẩu.

Từ 2011-2020, Quyết định số 2471/QĐ-TTg được ban hành, đã giải phóng sức sản xuất rất mạnh mẽ, khiến danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đa dạng và đi vào chiều sâu.

Kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 545 tỷ USD năm 2020, gấp hơn 40 lần so với con số 13,6 tỷ USD của năm 1995. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% (2016) lên 85,2% (2020). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD tăng dần, từ 28 mặt hàng (2016) lên 31 mặt hàng (2020).

Thông qua các cam kết với WTO, hàng hóa Việt Nam dần mở rộng được thị phần ở EU và các nước châu Âu ngoài EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường rất khó tính, nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Song song đó, lĩnh vực nhập khẩu cũng được quản lý để phát triển lành mạnh, đem lại nguồn vật tư, nguyên liệu, tư liệu cho các ngành sản xuất, thương mại trong nước. Từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, đặc biệt, năm 2020, xuất siêu đạt kỷ lục trên 19 tỷ USD. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu 9,4 tỷ đô, bất chấp tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, và các thị trường truyền thống nhập khẩu hàng Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn.

Hiện tại, Việt Nam có giá trị xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, giá trị nhập khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 20 trên thế giới, với thứ hạng năm sau cải thiện hơn năm trước, đã vượt qua nhiều nước ASEAN.

Có thể nói, xuất nhập khẩu đã và đang là động lực cực kỳ quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước, vì đã góp phần giải quyết việc làm cho xã hội, tạo nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, xây dựng tiền đề để Việt Nam tiến hành hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Chúng ta có quyền hy vọng và tự hào vào tương lai tươi sáng của kinh tế đất nước trong giai đoạn 10 năm kế tiếp.

Nội dung: Phạm Khoa
Đồ họa: M.N