Đằng sau đám khói dày đặc ở Formosa Hà Tĩnh
Vụ việc khói vàng bốc lên nghi ngút tại một nhà máy ở khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Và sự việc sau đó nhận được sự tán thưởng rất lớn của dư luận.
Từ vụ việc Formosa Hà Tĩnh và bài học kinh nghiệm
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều video clip về hiện tượng khói vàng, khói trắng bốc lên nghi ngút tại khu vực công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Điều này khiến người dân xung quanh và dư luận quan tâm, lo lắng.
Khi xuất hiện hiện tượng khói bốc lên nghi ngút, màu vàng đục xảy ra ở Fomosa Hà Tĩnh, ngay lập tức ngày 23/10/2022, Đồng chí Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì buổi làm việc giữa các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an thị xã Kỳ Anh với đại diện Công ty FHS và các bộ phận liên quan nghe báo cáo tình hình xử lý ban đầu.
Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp Công an thị xã tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân ban đầu sớm có kết luận nêu có sai phạm đề xuất xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đồng thời yêu cầu Công ty FHS chấp hành nghiêm quy trình, quy định vận hành nhà máy tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản của Nhà nước, Công ty và Nhân dân.
“Qua kiểm tra, được xác nhận do quạt thông khí gặp sự cố trong quá trình vận hành, hệ thống quạt thông khí của lò cao bị hỏng khiến khói bốc lên cao trong khu vực của công ty”. Chủ tịch Võ Trọng Hải cho biết.
Động thái của chính quyền Hà Tĩnh được dư luận đánh giá. Nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời vào cuộc ngay từ đầu và xử lý triệt để chính là cách bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân cũng như nhà máy tốt nhất.
Liên quan đến Formosa chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ thảm họa ô nhiễm biển 4 tỉnh miền trung vào năm 2016. Sau sự cố công ty đã đứng ra xin lỗi và đền bù 500 triệu đô-la. Tuy nhiên, sự cố này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng trăm ngàn người dân. Và nó cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thay đổi hướng đi mới cho nền kinh tế hướng đến kinh tế xanh
Hơn bao giờ hết, hiện nay, chúng ta đang trực tiếp gánh chịu những hậu quả khủng khiếp từ việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, rừng bị tàn phá khiến mưa, bão, lũ quét thất thường. Ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng, nhiều loài động vật bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ, thảm thực vật bị nghèo đi. Nguồn nước bị ô nhiễm với nhiều chất độc hại, nguồn nước tự nhiên cạn kiệt. Không khí ô nhiễm trầm trọng ở các đô thị. Rác thải tràn lan khắp mọi nơi. Các hiện tượng cực đoan gia tăng.
Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong tương lai nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm. Điều này bắt buộc chúng ta phải hành động quyết liệt.
Đinh hướng mục tiêu xanh hóa nền kinh tế cũng được thể hiện thông qua nhiều chương trình như: “Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” hay Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030.
Mặc dù, chủ trương của là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tuy nhiên trên thực tế nhiều nơi còn xem nhẹ môi trường, phát triển kinh tế theo hướng đánh đổi nhất là ở các khu công nghiệp. Vì thế, thiết nghĩ bên cạnh việc tuyên tuyền vận động thì công tác quản lý môi trường tại các dự án cần được đề cao hơn nữa. Đi đôi với công tác giám sát là chế tài xử phạt thật sự nghiêm khắc.
Ở những địa phương có các khu kinh tế trọng điểm nên chăng Bộ TN&MT hỗ trợ các địa phương về trang thiết bị giám sát, kiểm tra môi trường hiện đại. Về phía địa phương thì nên tăng cường nguồn lực cho các bộ phận liên quan.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường chính là cách phát triển bền vững và lâu dài. Nền kinh tế xanh mang đến sự thịnh vượng cho đất nước và sức khỏe, hạnh phục cho con người. Tuy nhiên, để thành công cần có sự kết hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp với chính sách, cơ chế của Nhà nước.
Phan Tâm