Đằng sau cái chết của những người tố cáo Boeing là gì?
Ngày 13/3, John Barnett, cựu quản lý chất lượng của hãng Boeing, được phát hiện tử vong trong xe hơi ở bang Nam Carolina. Barnett là người đầu tiên lên tiếng tố cáo hãng Boeing phớt lờ các quy định đảm bảo an toàn hàng không. Chưa đầy hai tháng sau, Joshua Dean cũng tử vong sau khi tố cáo chất lượng máy bay Boeing.
Ông John Barnett, 62 tuổi, từng làm việc cho Boeing hơn 3 thập kỷ trước khi về hưu năm 2017. Năm 2019, ông công khai tố cáo nhà máy Boeing tại bang Nam Carolina buộc nhân viên làm việc quá sức khiến họ lắp phụ tùng không đạt tiêu chuẩn, đồng thời cho biết hệ thống cung cấp oxy trên máy bay bị lỗi có thể khiến 25% số mặt nạ dưỡng khí không hoạt động bình thường.
Tập đoàn Boeing sau đó đã phủ nhận toàn bộ tuyên bố của ông Barnett. Tuy nhiên, cuộc thanh tra sau đó của Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) chứng minh một số khía cạnh trong cáo buộc của ông Barnett là đúng.
Barnett được phát hiện đã chết trong chiếc xe tải Dodge Ram với khẩu súng lục bạc trên tay ngay bãi đậu xe của khách sạn Holiday Inn ở Charleston, sau khi ông không xuất hiện trong phần thứ hai lấy lời khai vụ kiện chấn động chống lại Boeing. Đến nay, cảnh sát chỉ nhận định nguyên nhân cái chết là “do vết thương có vẻ là do tự sát bằng súng”.
Điều đáng nói là từ khi ra làm chứng chống lại Boeing, Barnett từng nhiều lần khẳng định với người thân và bạn bè rằng, “nếu tôi có chết thì chắc chắn không phải là tự sát”. Gia đình và tất cả những người quen biết Barnett cũng khẳng định tâm lý của ông hoàn toàn bình thường và không mắc bệnh tâm thần, trầm cảm.
Brian Knowles, luật sư đại diện cho cả Barnet cũng nhấn mạnh ông quen biết Barnett trong 7 năm và “chưa từng thấy dấu hiệu nào chứng tỏ ông ấy sẽ tự sát”.
Đến ngày 3/5, một người tố cáo khác là Joshua Dean, 45 tuổi, cũng bất ngờ qua đời. Dean từng làm giám sát chất lượng tại Spirit AeroSystems, nhà thầu phụ quan trọng trong cung cấp linh kiện cho quá trình sản xuất máy bay 737 MAX của Boeing.
Khi các cổ đông của Spirit AeroSystems đệ đơn kiện công ty vào tháng 12/2023, cáo buộc họ không công bố những vấn đề “nghiêm trọng và dai dẳng” về chất lượng sản phẩm với các nhà đầu tư, Dean đã cung cấp lời khai trước tòa về nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình lắp ráp khung thân máy bay Boeing 737 MAX.
Boeing sau đó sa thải Dean vào tháng 4/2023, sau khi các lỗi này được công bố và khiến đơn giao hàng của Boeing bị trì hoãn. Đáng nói, bà Virginia Green, mẹ của Dean, cho biết vào ngày 20/4, ông gọi điện cho biết bị cúm B và xin nghỉ làm vài ngày, tức có thể suy đoán thời điểm này ông vẫn chưa bị sa thải.
Sau đó, bệnh tình của người đàn ông được mô tả có sức khỏe tốt, mê thể thao và sống lành mạnh bất ngờ chuyển biến nặng, khiến ông bị viêm phổi và phải nhập viện. Dean được chuyển viện bằng trực thăng từ Wichita sang Oklahoma và được can thiệp ECMO (tim – phổi nhân tạo), gây mê sâu và chạy máy lọc thận.
Trong những ngày cuối cùng, các bác sĩ còn cân nhắc phương án phẫu thuật cắt cả hai tay và chân của bệnh nhân, song Dean đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng hôm 2/5. Bệnh viện chẩn đoán ông nhiễm vi khuẩn MRSA (nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin).
Virginia Green, mẹ của Dean, cũng đã yêu cầu sở cảnh sát Charleston, bang Nam Carolina, vào cuộc điều tra, khám nghiệm pháp y để tìm hiểu nguyên nhân con trai mình tử vong.
“Chúng tôi biết nó mắc nhiều loại virus, nhưng không rõ nó ốm thật sự, hay có ai đó đã làm gì với nó”, bà Green nói, thêm rằng kết quả khám nghiệm nhiều khả năng sẽ được công bố trong vài tháng tới.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Boeing bị kiện vì lỗi thiết kế của máy bay. Khoảng 20 năm trước, bà Taylor Smith, nay 63 tuổi, cùng 2 nhân viên khác từng kiện hãng này với tài liệu cho thấy một nhà cung cấp chính đang sử dụng các bộ phận bị lỗi để chế tạo máy bay 737 NG, mẫu tiền nhiệm của 737 MAX. Vụ kiện diễn ra tại cùng nhà máy Joshua Dean làm việc và đưa ra những cáo buộc tương tự.
Sau khi Dean qua đời, chồng cũ Smith nhắn tin cho bà và ám chỉ sự việc có điều gì đó mờ ám cùng lời cảnh báo “Đó có thể đã là em”.
Trả lời phóng viên, bà nói “Tôi cảm ơn Chúa mỗi ngày vì những chuyện như vậy không xảy ra với mình”. Câu trả lời không khác sự lời đồng tình với nhận định của chồng cũ.
Giờ đây, dư luận đặt câu hỏi điều gì nguy hiểm hơn, làm “người thổi còi” (whistleblower) tố cáo Boeing hay ngồi trên chiếc máy bay 737 MAX của hãng.
Luật sư Knowles, người cũng đại diện cho Dean, cho biết ông hy vọng cái chết của hai người sẽ không vô nghĩa, “Tất cả những người như họ đều là người hùng. Họ yêu mến công ty và muốn giúp công ty làm tốt hơn. Họ không lên tiếng vì hám danh hay tức giận. Họ tố cáo vì tính mạng của nhiều người sử dụng máy bay đang bị đe dọa”.
Cuộc điều tra về cái chết của Barnett và Dean vẫn đang tiếp diễn, hàng chục người khác cũng đang đứng ra tố cáo Boeing, vụ việc này sẽ đi đến đâu vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Và liệu thực sự có một kết quả thực thụ hay không cũng còn bỏ ngỏ, bởi mạng xã hội đến nay vẫn không quên cái chết đầy bất thường của Jeffrey Epstein, tỉ phú Mỹ bị bắt vì điều hành đường dây mại dâm cao cấp.
Năm 2019, sau khi bị bắt, Epstein được phát hiện treo cổ chết trong phòng tạm giam, trong lúc hai cảnh sát trực ca vắng mặt còn camera giám sát “ngẫu nhiên” trục trặc. Đến nay, nguyên nhân cái chết của Epstein vẫn được xác định là “tự sát” và cuộc điều tra vẫn đi vào ngõ cụt.
Đằng sau cái chết của hai người tố cáo hãng Boeing là gì, liệu công lý có được thực thi hay không, vẫn chưa có câu trả lời.
Hạnh Văn