Đắng lòng với những lựa chọn đầy ám ảnh
Sự việc một cô giáo trường THCS Hải Cảng ở Quy Nhơn, Bình Định uống thuốc độc tự tử, để lại lá thư tuyệt mệnh với nhiều trăn trở đau lòng xoay quanh nghề giáo khiến nhiều người ám ảnh.
Song song với nhiều chia sẻ bày tỏ sự thương tiếc, cũng có dư luận cho rằng làm giáo viên mà chọn tự tử để giải quyết bức xúc thì áp lực trong ngành giáo dục chắc phải cần xem lại. Ngoài ra, theo thông tin mà một vài đồng nghiệp cung cấp, trước đó không lâu, một phụ huynh học sinh đã đến trường gây áp lực, yêu cầu làm rõ việc con họ bị cô đánh. Giải thích về vụ việc, cô P. cho biết, do em học sinh này đến lớp không ghi bài, về nhà không làm bài tập nên cô có đánh nhẹ với mục đích răn đe là chính.
Không thể đưa ra bất cứ suy diễn tùy tiện nào vào lúc này, nhưng khi nhìn dưới góc độ áp lực nghề nghiệp, thì ngành giáo dục những năm qua quả thật đã có nhiều áp lực nặng nề. Trong đó, ngoài một số áp lực thuộc về chuyên môn do các hoạt động cải cách ở một số cấp học đem lại, áp lực từ phụ huynh cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Khác với trước đây, thay vì người thầy đứng ở vị trí trung tâm trong tương tác với học sinh, thì giờ đây, cùng sự tham gia của các phương tiện thông tin hiện đại vào quá trình giảng dạy, người thầy rất dễ cảm thấy mình bị xem nhẹ hay không còn quan trọng. Đây cũng là lý do gây ức chế tâm lý cho nhiều giáo viên, đặc biệt với các môn xã hội như Văn, Sử, Địa…
Giáo viên, học sinh, hay phụ huynh đều là những cá nhân có thể gặp khó khăn trong đời sống riêng bất cứ lúc nào, đều có lúc tâm trạng không tích cực và đôi khi gặp phải những kết nối gây ức chế. Do đó, không nên chỉ đòi hỏi sự chịu đựng đến từ một phía. Ở đây cần sự cảm thông, chia sẻ từ cả phụ huynh, nhà trường và xã hội.
Cho đến lúc này, điều mà dư luận mong chờ nhất không chỉ là công bố của cơ quan chức năng về nguyên nhân tử vong, lý do cô giáo uống thuốc độc tự tử, mà còn là không chỉ ngành giáo dục mà xã hội có thể thay đổi những gì sau cái chết gây bàng hoàng của một nữ giáo viên. Đã đến lúc ngành giáo dục và các ngành có liên quan cần quan tâm nghiêm túc đến việc xây dựng các khóa huấn luyện kỹ năng mềm cho giáo viên và học sinh ở nhà trường. Học cách cân bằng cảm xúc, bình tĩnh, nhìn nhận khách quan, không trút tổn thương của mình lên người khác, xây dựng các giá trị cá nhân lành mạnh, trao năng lượng tích cực… sẽ giúp hạn chế những hành xử bột phát, đáng tiếc, gây hậu quả lâu dài cho gia đình và xã hội.
Phạm Khoa