Dân Trung Quốc săn lùng thuốc chữa SARS để trị virus corona
Người Trung Quốc đổ xô lên mạng tìm kiếm các biện pháp chống virus corona, bất chấp cảnh báo của giới chức trách rằng chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh có hiệu quả.
Trong số các loại thuốc được tìm kiếm nhiều nhất phải kể tới Kaletra, một loại thuốc kháng virus HIV do hãng dược phẩm AbbVie Inc. của Mỹ sản xuất, ngăn chặn các enzyme mà một số loại virus cần để nhân bản.
Người nhà của ông Chen Ruoping, 57 tuổi, sống tại tâm chấn của dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán, được chẩn đoán bị nhiễm trùng phổi vào tháng trước, đang tham gia lùng sục một loại thuốc tên là Kelizhi. Sau khi bị từ chối tại các bệnh viện, con trai ông phải lên mạng cầu xin sự giúp đỡ.
Săn lùng loại thuốc từng chữa trị SARS
Theo những số liệu mới nhất công bố hôm 10/2, số người chết vì virus corona đã lên tới 910. Tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới đã vượt 40.000. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cử một đoàn chuyên gia tới điều tra bùng phát dịch ở Vũ Hán. Tổ chức này cho biết đang tìm kiếm huy động 675 triệu USD tài trợ để giúp các quốc gia tăng cường năng lực y tế công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các nhà nghiên cứu y học Trung Quốc rất lạc quan về khả năng sử dụng Kaletra để điều trị virus corona một phần vì trước đây nó đã chứng minh sự hiệu quả trong việc chữa trị SARS.
Giới chuyên gia đất nước tỷ dân đã áp dụng thử nghiệm hơn 10 loại thuốc trên bệnh nhân nhiễm virus, bao gồm chloroquine chống sốt rét, darunavir kháng HIV và một số loại thuốc trị cúm.
Trong khi đó, Vũ Hán đã chỉ định khoảng hơn hai chục bệnh viện để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona và khẩn trương xây dựng hoặc tái sử dụng một số cơ sở khác để điều trị những trường hợp nặng nhất. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm virus đang tự cách li tại nhà hoặc khách sạn, không được tiếp cận với thuốc men và chữa trị. Với tình hình quá tải tại các bệnh viện và thiếu thuốc thử nghiệm, một số người đang nghi nhiễm bệnh phải “liều lĩnh” tự tìm cách điều trị cho chính mình.
Không có gì lạ khi người dân Trung Quốc phải tìm đến các chợ đen hoặc xám để mua thuốc. Như ở Mỹ, giá của nhiều loại thuốc tiên tiến như thuốc trị ung thư vượt quá khả nằn chi trả của các bệnh nhân thường xuyên, khiến một số người phải tìm kiếm loại thuốc rẻ hơn thông qua các kênh không chính thống hoặc thậm chí tự pha chế từ các nguyên liệu mua online.
Khi dịch bệnh ở Vũ Hán bùng phát nhanh vào cuối tháng 1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng hiện chưa có loại thuốc kháng virus nào có hiệu quả, tuy nhiên vẫn đề xuất một hỗn hợp thuốc có thể sử dụng được là lopinavir và ritonavir, tương tự như Kaletra.
Wang Guangfa, một chuyên gia về hô hấp tại bệnh viện thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết ông đã uống hai loại thuốc này sau khi bị nhiễm virus mới trong khi điều trị cho bệnh nhân ở Vũ Hán.
“Nói chung, nhiều bệnh nhân cần hơn một hoặc hai tuần để tình trạng cải thiện”, bác sĩ Wang nói với truyền thông. Thân nhiệt của ông bắt đầu giảm trong vòng một ngày sau khi uống hỗn hợp Kaletra.
Uống thuốc liều mạnh mà không có bác sĩ giám sát hay chỉ định là rất nguy hiểm, nhưng các thông tin về thành công của bác sĩ Wang đã khiến gia đình Chen chấp nhận mạo hiểm. Ông Chen gần đây vừa trải qua 12 đợt hóa trị cho bệnh ung thư trực tràng. Virus corona mới có thể đặc biệt gây tử vong cho người đàn ông lớn tuổi với tình trạng sức khoẻ kém, và đặc biệt là hệ miễn dịch vốn đã suy yếu.
Khả năng tiếp cận với thuốc vẫn bị hạn chế
Việc tìm thuốc mới là một thử thách. Chính phủ Trung Quốc thường chỉ cung cấp Kaletra cho bệnh nhân HIV có đơn thuốc của bác sĩ. Hãng thuốc AbbVie cho biết tháng trước đã quyên góp lượng thuốc trị giá khoảng 2 triệu USD để thử nghiệm chống dịch, đáp lại yêu cầu của các cơ quan y tế Trung Quốc. Nhưng khả năng tiếp cận với thuốc vẫn bị hạn chế ngay cả trong các bệnh viện Vũ Hán.
Một cư dân Vũ Hán khác cũng cho biết người chồng 32 tuổi của cô đang điều trị virus tại Bệnh viện Vũ Hán số 9 đã bị từ chối cung cấp loại thuốc này vì “thuốc nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ”, cô nói.
Một nhân viên nhà thuốc bệnh viện cho biết lượng Kaletra họ có rất ít và chỉ được dùng cho những bệnh nhân rất nặng.
Trả lời các yêu cầu bình luận của Wall Street Journal, AbbVie đã nhắc lại một tuyên bố trước đó hứa hẹn sẽ cung cấp đủ Kaletra cho cả chương trình HIV/AIDS quốc gia và cuộc chiến chống lại virus corona mới. Còn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận. Các cơ quan y tế cũng đang cố gắng làm làm dịu “cơn khát” Kaletra và các thuốc tương tự bằng cách chỉ ra các tác dụng phụ có thể xảy ra như tổn thương gan và dị ứng.
Đối với nhiều bệnh nhân nhiễm virus, các kênh không chính thức là lựa chọn duy nhất. Ông Li, một nhà cung cấp, vốn là một bệnh nhân HIV sống tại Trịnh Châu có nickname “Brother Squirrel”, điều hành một nền tảng trực tuyến cho những người nhiễm HIV thảo luận về thuốc. Sau khi có tin rằng loại thuốc này có khả năng điều trị virus tại Vũ Hán, ông nói rằng sẽ kêu gọi người dùng quyên góp thêm nguồn cung cấp. Trong vòng một tuần, ông Li cho biết đã thu thập đủ thuốc cho 100 bệnh nhân và phát miễn phí, trong đó ưu tiên các bác sĩ bị nhiễm bệnh.
“Bán thuốc theo toa mà không có giấy phép là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng tặng thuốc thì không”, ông Li nói. Ông cho biết gần đây ông đã đặt hàng 428 gói từ Ấn Độ, nơi giá thuốc đang tăng nhanh.
Kaletra đang được bán với giá từ 1.000 đến 5.000 nhân dân tệ (khoảng 142 – 714 USD) cho mỗi gói 120 viên thuốc trên web mua sắm Xianyu, tương đương với khoảng một tháng điều trị.
Xianyu đã ngay lập tức xóa các bài viết rao bán thuốc ngay sau khi Wall Street Journal liên lạc với Alibaba đề nghị bình luận. Một người phát ngôn của Xianyu cho biết thị trường Xianyu nghiêm cấm hành vi bất hợp pháp của người bán bên thứ ba trên nền tảng của mình.
Theo ông Li, bệnh nhân HIV có thể được phát Kaletra miễn phí tại các bệnh viện HIV/AIDS được chỉ định hoặc khoảng 100 USD một gói với đơn thuốc.