Dân trí của cư dân mạng: chỉ thích những tin tức gây sốc và giật gân?
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng gần 60 ngàn người chia sẻ thông tin từ đối tượng Phạm Minh Vũ – một đối tượng chống phá, đưa tin sai sự thật nhiều lần, về vụ việc chính quyền cắt điện, cắt mạng 3G/4G/5G, trong bài viết có ghi rõ là lấy từ gia đình của em Đô.
Nhưng hỡi ơi dân trí, những dân cư mạng chia sẻ bài đăng liệu có hiểu một logic là nếu cắt điện thì lấy đâu ra điện chạy tủ đông, điện chiếu sáng nguyên hệ thống đường và khu nghĩa trang? Máy phát à? Trong khi máy phát trong bức ảnh còn không có dấu hiệu hoạt động? Và cần biết rằng, chính người lân cận trong gia đình còn đăng thông tin khẳng định không hề bị mất điện, khu nghĩa trang vẫn sáng, phía điện lực còn cử người trực ban để đảm bảo hoạt động điện cho sự việc, tránh quá tải và cháy nổ.
Ngoài ra, mạng 5G có ở một ngôi làng nhỏ ở Bắc Ninh từ khi nào thế? Ngoài ra, có những tin tức nói về việc làng bị cắt internet cáp quang, cắt viễn thông, rồi không cho người lạ vào làng, nội bất xuất ngoại bất nhập… được cư dân mạng tin răm rắp, nhưng không ai đặt câu hỏi là, nếu bị cắt mạng và chặn đường ra vào thì lấy đâu ra những bức ảnh đăng lên trên mạng? Truyền thông tin qua sóng não như giáo sư X à?
Rồi ở Bắc Ninh làm gì đã hết dịch? Khi tụ tập đông người thì bắt buộc các cơ quan chính quyền phải vào cuộc, chặn những dòng người đến nhà em Đô rồi tò mò livestream chụp ảnh. Bây giờ một người ở đâu mang dịch đến, đại dịch bùng phát thì lại gào mồm ra chửi chính quyền. Làng không có dịch, nhưng có chắc là người khác đến từ nơi khác cũng vậy hay không?
Chưa hết, cư dân mạng lại chia sẻ rầm rộ một đoạn tin nhắn SMS hay tin nhắn Zalo gì đó, nói về mệnh lệnh của phía quân đội về việc cắt mạng 3G/4G/5G tại khu phố Đa Hội. Không một ai đặt câu hỏi là tin nhắn đó từ đâu, có đúng không, rồi mệnh lệnh cắt mạng vốn tuyệt mật mà lại được chỉ đạo qua tin nhắn, có thấy vô lý không mà đã vội tin ngay được?
Từ bao giờ là những đoạn tin nhắn, những bài viết từ những facebook ảo, từ những tài khoản bán hàng online… lại được coi như kênh thông tin chính thống, vượt trên những thông tin chính thống từ gia đình và cơ quan chức năng, được coi là căn cứ cho mọi sự việc?
Từ hôm qua, đã có hàng chục hội nhóm xuất hiện có tên như “Đi tìm công lý cho Trần Đức Đô”, “Hội anh em thương tiếc cho em Trần Đức Đô”, “Công lý cho Trần Đức Đô”… có từ vài chục đến hàng trăm ngàn thành viên… Nhưng sự thực thì các hội nhóm đó đều là những nhóm bán hàng online được đổi tên, nhằm tranh thủ lúc dư luận lên cao, kéo thành viên gia nhập, chia sẻ link xấu bẩn, rồi sau này phục vụ mục đích kinh doanh. Xin nhấn mạnh là cách thức này này đã xuất hiện rất nhiều lần rồi, nhưng lần nào cũng thành công.
Tiếp nữa, là trên những trang mạng xuất hiện những tài khoản ảo mang tên Trần Đức Đô, hoặc người nhà của em Đô, nhằm mục đích giả mạo và kêu gọi quyên góp bất hợp pháp. Từ hôm qua đến giờ, rất nhiều tài khoản tương tự như vậy đã được lập và kêu gọi quyên góp được kha khá tiền và nhiều sự chia sẻ. Và rồi thì tiền mất, nạn nhân và người nhà bị lợi dụng, dân cư mạng thì mất tiền?
Những hành vi trên, là vì công lý à? Là vì em Đô à? Là vì gia đình à? Lợi ích thì chẳng thấy đâu, mà chỉ thấy toàn những thông tin thất thiệt, bất lợi cho công tác điều tra, cho chính gia đình nạn nhân. Một đám kền kền bất lương dối trá, một đám cư dân mạng chỉ giỏi hùa.
Tài khoản của người thân cận với gia đình em trong chiều, tối qua đã đăng nhiều thông tin lên mạng xã hội, yêu cầu dư luận bình tĩnh, không đưa tin sai sự thật, không giả làm người trong gia đình… vì điều này có thể khiến gia đình, người thân em bị liên lụy. Ngoài ra, khiến linh hồn em ở trên cao không an nhiên. Nhưng những lời nói như vậy, chỉ nhận được lượng tương tác ít ỏi, vài trăm like, vài chục bình luận…
Cư dân mạng, phải chẳng là chỉ thích những tin tức gây sốc và giật gân? Liệu mấy ai thực sự ngồi lại, gửi lời chia sẻ đến em Đô và gia đình? Liệu mấy ai vì công lý và hiểu rõ ngọn ngành?
TIFOSI