Dân Thủ Thiêm ‘truy’ khu tái định cư 160 ha ở đâu, bao giờ trả lại cho dân?
Cử tri thắc mắc về khu 160ha tái định cư vì sao không thanh tra làm rõ. Nó đang ở đâu, bao giờ trả lại cho dân? Nhiều người mất nhà, hơn 20 năm nay không nhà, cả chục người sống trong nhà tạm cư…
Tiếp tục trình bày ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, bà Lê Thị Bạch Tuyết (phường An Phú, quận 2, TPHCM) nói rằng, làm luật phải chặt, đừng để luồn lách, nhà nước thất thu, dân thiệt hại. Bà Tuyết lấy ví dụ như Cty CP Địa ốc Alibaba lách luật, nhà nước thất thu, người dân thiệt hại.
Theo bà Tuyết, về khu 160ha tái định cư vì sao không thanh tra làm rõ. Nó đang ở đâu, bao giờ trả lại cho dân. Những dự án đã giao đất này nếu không triển khai thì phải thu hồi trả lại cho dân. Nhiều người mất nhà, hơn 20 năm nay không nhà, cả chục người sống trong nhà tạm cư.
“Trả lại ngân sách 26.000 tỷ là cần nhưng giải quyết cho dân trước. Đất có chủ quyền, tại sao không làm thủ tục bồi thường đúng cho dân mà đùng một cái thu hồi. Tôi mong lãnh đạo TPHCM đã hứa với dân thì phải giải quyết”, bà Tuyết nói.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, trước kỳ họp này, bản thân ông nhận được nhiều thư từ, tin nhắn của cử tri gửi về và điều được ông chuyển cho lãnh đạo thành phố, Trung ương.
Đặc biệt, có một tin nhắn của một cử tri hiện đang ở khu tạm cư cho biết có con đang bị ung thư giai đoạn cuối, đời sống nhà tạm cư dột nát, quá khó khăn nên đề nghị được bố trí ở chỗ tạm cư tốt hơn. Từ tin nhắn này, ông Khuê đã đề bạt với ông Nguyễn Phước Hưng (Chủ tịch UBND quận 2) quan tâm hơn tới trường hợp này.
Liên quan đến 5 khu phố trong hay ngoài ranh, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, qua nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật từ khi huyện Thủ Đức tách ra thành 3 quận (Thủ Đức, quận 9 và quận 2) thì thấy có nhiều chi tiết có độ vênh.
“Cơ sở mà cử tri nói 5 khu phố ngoài ranh bắt nguồn từ văn bản điều chỉnh việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ở khu vực này”, ông Khuê nói và cho biết thêm sẽ ghi nhận phản ánh ý kiến này của cử tri, đề nghị đối thoại công khai lên lãnh đạo thành phố, Thanh tra Chính phủ xem xét và trực tiếp trả lời cho cử tri.
Về ý kiến của cử tri muốn đưa vụ việc Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội để Quốc hội giám sát, ông Khuê cho biết, lần này sẽ báo cáo lên Ủy ban Dân nguyện Quốc hội, để đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội hay không. Thẩm quyền này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Chúng tôi không né tránh, tổ đại biểu sẽ cố gắng đề đạt nguyện vọng của cử tri”, ông Khuê nói.
Về khu đất 160ha cử tri thắc mắc số quỹ đất đó đang xử lý và giải quyết ra sao, ông Khuê nói: “Chúng tôi đã báo cáo và được biết các cơ quan đang thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Chúng tôi sẽ báo cáo lại nhưng chắc chắn nó vẫn còn chứ không đi đâu”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM bổ sung thêm, nhiều lần Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã báo cáo vấn đề Thủ Thiêm lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thảo luận, xem xét. Về việc này, bà Tâm thừa nhận là còn chậm chuyển tải ý kiến của cử tri liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm lên Quốc hội.
Sáng 7/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM gồm: Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM đã tiếp xúc cử tri quận 2. Hơn 500 cử tri có mặt tại buổi tiếp xúc.
Huy Thịnh – Văn Minh