Dân nín thở sống ven kênh rác
Xác động vật, rác thải sinh hoạt, mút xốp, nylon… bị nhiều người vô tư vứt xuống kênh rạch khiến lòng kênh rạch ô nhiễm nghiêm trọng.
Tháng 10-2018, TP.HCM đã có cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch và thực tế sau đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng hiện nay tình trạng xả rác xuống kênh rạch vẫn còn nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Sống cùng chuột, muỗi, mùi hôi
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số kênh rạch trên địa bàn TP.HCM, tình trạng rác thải sinh hoạt, xà bần, rác nhựa… vẫn bị đổ đầy trên bờ và dưới lòng kênh. Rác để lâu ngày ứ đọng làm dòng chảy bị tắc nghẽn, nước đen kịt bốc mùi hôi thối đến nghẹt thở.
Rạch Xuyên Tâm được nối từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật với chiều dài 6,21 km và ba tuyến nhánh dài 1,94 km. Nơi đây có hàng chục ngàn người dân sống dọc rạch Xuyên Tâm hằng ngày phải gồng mình chịu cảnh rác thải bao quanh, muỗi nhiều…
Anh Nguyễn Văn Thành, sống bên bờ rạch Xuyên Tâm, phường 15, quận Bình Thạnh, cho biết: “Tôi sống ở đây gần 20 năm nay, tình trạng rác ngập đầu như thế này đã tồn tại biết bao năm nay rồi. Kinh khủng lắm, trời nắng mùi hôi bốc lên từ con kênh rất khó chịu và không tài nào ăn cơm ở nhà được. Trời mưa thì đỡ mùi hơn một chút nhưng mưa xuống chuột bò đến tận giường ngủ. Muỗi thì khỏi phải nói, bay cả đàn, ngày đêm gì cũng bị muỗi chích”.
“Tôi chẳng biết rác thải ở đâu mà nhiều đến thế. Dân ở đây đều có ký hợp đồng thu rác hằng tháng, chỉ có những người từ nơi khác đến thải xuống thôi. Những người xả rác trộm có ở đây đâu mà thấy được cảnh khổ của người dân nơi đây. Đâu chỉ là xả rác sinh hoạt, đằng này còn có cả xác mèo, chó, gia cầm chết cũng vứt xuống, lâu ngày thối không thể chịu nổi” – ông Nguyễn Thành An sống ở hẻm số 7 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh bức xúc.
Dọc theo đường An Phú Đông 1, phường An Phú Đông, quận 12 có con kênh chỉ dài khoảng 2 km nhưng tình trạng ô nhiễm đã diễn ra gần chục năm nay mà vẫn chưa được khắc phục. Rác từ các tiểu thương ở chợ tự phát, phân gia cầm, cống nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống dòng kênh khiến dòng nước nước đen đặc bốc mùi hôi thối.
Ông Phạm Thanh Hồng, người dân tại đây, than thở: “Sống ở đây khổ lắm, trời nắng thì đóng cửa suốt vì mùi hôi bốc lên từ con kênh trước nhà. Những ngày mưa thì giống như đi chạy lũ. Đoạn kênh này đầy rác, cây cối rậm rạp, mỗi lần mưa là nước không thoát kịp, người dân phải xây bờ cao trước nhà để ngăn nước mưa, ngăn rác. Có hôm mưa lớn, nước kênh đen kịt tràn vào nhà hôi thối kinh khủng. Trẻ em ở đây thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp, vì hằng ngày phải hít thở mùi hôi thối này”.
Rác thải từ tứ phía đổ về
Dọc đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận, quận 7 luôn ngập đầy rác vì khu chợ nổi tự phát trên dòng Kênh Tẻ.
Việc buôn bán của người dân ở đây mang tính tự phát, diễn ra trong thời gian dài nên lượng rác thải xuống sông ngày càng nhiều khiến dòng chảy ngập rác, ô nhiễm.
10.832 thùng rác công cộng mới được TP lắp đặt tại các tuyến đường, tuyến hẻm, kênh rạch và nâng cấp, sửa chữa bốn nhà vệ sinh công cộng; trao tặng các vật dụng (thùng rác, túi đựng rác, bao tay, kẹp gắp rác, túi xách thân thiện môi trường, nhãn dán phân loại rác…) cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
(Theo báo cáo sơ kết sáu tháng thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”)
Rạch Xuyên Tâm chảy qua rất nhiều phường và phường 15 là nơi hạ nguồn nên nước xuống dẫn rác ở các nơi về hạ nguồn. Việc phát hiện và xử phạt những người thải rác xuống kênh là cực kỳ khó, bởi phường không phát hiện được kịp thời và cũng không có bằng chứng cụ thể. Phường cũng đã rất nỗ lực nhưng tình trạng rác thải làm ô nhiễm nguồn nước vẫn không thể khắc phục hết được.
Ông NGUYỄN HUY NGHỊ, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh
Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân sinh sống tại khu vực này, cho biết: “Những ghe bán trái cây ở đây hầu hết là dân tứ xứ đến đây buôn bán, rồi ở lại đây khi nào bán hết mới rời neo đi. Đủ các loại rác từ rác sinh hoạt trên ghe, trái cây hư, thậm chí cả việc đi vệ sinh cá nhân cũng xả thẳng xuống sông này. Bờ kè sông thì khang trang, lịch sự nhưng nhìn xuống mặt sông thì toàn rác với rác”.
Một nơi khác là kênh Hiệp Tân nằm dọc đường Tô Hiệu (quận Tân Phú) từ lâu cũng là điểm nóng về tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ rác thải.
Bà Bùi Thị Thanh Nga, một người dân sống ven kênh, cho biết nước kênh ở đây lúc nào cũng trong tình trạng đen kịt, bốc mùi hôi thối. Hầu hết rác thải nơi đây đều do người dân từ nơi khác đổ xuống, rác này toàn là những đồ vật lớn hoặc vải vụn của các công ty may mặc. Cứ sáng sớm là thấy một đống rác to được thải xuống kênh mà chẳng biết ai xả. Người dân đã nhiều lần báo lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng xả rác trên chưa được giải quyết dứt điểm.
Dự án đã có nhưng vẫn đang “treo”
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2002 thực hiện bằng ngân sách nhà nước với kinh phí dự kiến khoảng 123 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ranh quy hoạch của dự án khá lớn, phát sinh chi phí bồi thường cao, TP không đủ ngân sách để thực hiện.
Năm 2010, TP tái khởi động dự án bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa. Tháng 3-2016, UBND TP có quyết định phê duyệt đề xuất dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà dự án sau đó đã ngưng thực hiện.
Mới đây, chủ dự án đã đề xuất phân đoạn để tiến hành xây dựng công trình cải tạo rạch Xuyên Tâm. Theo đó, các tuyến chính sẽ hoàn thành từ năm 2019 đến 2023. Các tuyến nhánh sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2019-2024.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)