Dân lo ngại Trung Quốc trúng thầu cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT tiếp tục nói đó là bí mật!
Cao tốc Bắc – Nam là dự án quan trọng, lo ngại người dân nếu nhà thầu Trung Quốc liệu có chậm tiến độ, chất lượng có bảo đảm? Giữa lo lắng đó thì Bộ GTVT cho biết, kết quả trúng sơ tuyển thầu cao tốc Bắc – Nam là tài liệu mật, không thể tiết lộ.
>> Lộ diện đơn vị trúng thầu xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam
Mới đây, trong buổi họp báo Chính phủ Thường kỳ ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông có những chia sẻ về dự án cao tốc Bắc-Nam.
Theo đó bề kết quả sơ tuyển các nhà đầu tư với dự án cao tốc Bắc – Nam, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Ban quản lý dự án đã mời thầu và nhận hồ sơ từ tháng 7/2019, hiện đã có hội đồng đánh giá và kết quả.
Nhưng theo quy định pháp luật, quy trình đánh giá, thẩm định và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định đấu thầu là hồ sơ thuộc diện tài liệu mật, nên không thể cung cấp thông tin.
Với việc các nhà đầu tư tư nhân tham gia, ông Đông cho biết, “trong các phân đoạn đầu tư sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo khai thác và xây dựng hiệu quả kết nối các tuyến đường có khả năng thu hồi vốn”.
Theo quy định pháp luật, yêu cầu nhà đầu tư có vốn điều lệ ít nhất bằng 20% tổng mức đầu tư dự án, nhiều ý kiến lo ngại doanh nghiệp Việt Nam không đủ tiềm lực, các dự án rơi vào tay đơn vị nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, “một số doanh nghiệp trong nước đã đủ tiềm lực, hoàn toàn có thể tham gia dự án”.
Việc Thứ trưởng Bộ GVTV cho rằng kết quả trúng sơ tuyển thầu cao tốc Bắc – Nam là tài liệu mật, không thể tiết lộ liệu có đi ngược với trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể với đại biểu Quốc hội, với cử tri?
Trước đó, tại phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đặt câu hỏi: Cử tri quan tâm xây dựng triển khai cao tốc Bắc – Nam, vì vậy đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm chỉ đạo về vấn đề này?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định đây là dự án quan trọng của quốc gia nên Chính phủ xác định thực hiện dựa trên ba nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Nguyên tắc thứ hai, là tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Nguyên tắc thứ ba, đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế – xã hội nên phải chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng.
Nếu bí mật, không tiết lộ khó đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Nêu quan điểm trong chọn nhà thầu dự án cao tốc Bắc – Nam, chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, nghi ngại dư luận về nhà thầu Trung Quốc là dễ hiểu, điều này đặt ra yêu cầu về lựa chọn nhà thầu, đặc biệt điều khoản trong hợp đồng ký.
Cụ thể, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu từ Trung Quốc không thành vấn đề nều đảm bảo được các yếu tố.
Thứ nhất, dự án không đội vốn. Có nghĩa “chìa khóa trao tay”, dự án một giá từ đầu đến cuối không đội giá, đảm bảo tiến độ.
Thứ hai, minh bạch công khai thông số kỹ thuật, công nghệ làm đường.
Thứ ba, vấn đề bảo hành. Có thể đưa ra điều khoản bảo hành bao nhiêu năm, giữ lại bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư dùng bảo hành công trình… Tránh trường hợp làm xong, tiền đút túi sau đó xảy ra vấn đề xuống cấp, hỏng hóc.
Tương tự, chuyên gia giao thông – TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Quan điểm của tôi, về nguyên tắc các nhà đầu tư đều có quyền tham gia đấu thầu minh bạch, công khai không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước. Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT phải tổ chức đấu thầu hợp lý, công bằng”.
Về nghi ngại của dư luận với nhà đầu tư từ Trung Quốc, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nhà thầu Trung Quốc từng để lại tiếng xấu ở loạt dự án đầu tư như tại nhà máy từ nhiệt điện, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên, đặc biệt là đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông…
“Quan điểm tôi, tất cả doanh nghiệp Trung Quốc từng là nhà thầu, nhà đầu tư các dự án Việt Nam nhưng có lịch sử chậm tiến độ, sai phạm điển hình như Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc (tổng thầu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông) Bộ GTVT không được cho tham dự thầu ở dự án cao tốc Bắc – Nam. Bởi những doanh nghiệp này gây thiệt hại quá lớn cho nền kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết.
(Theo Tin Tức Việt Nam)