Những ngày gần đây, nhiều người Hà Nội đi chợ cóc từ 4-5h sáng để tránh tụ tập đông người, đồng thời không bị quản lý chặt bởi lực lượng kiểm soát ở các chốt kiểm dịch.
Từ 4h, khi ánh đèn cao áp hai bên đường còn chưa tắt, các chợ cóc đã bắt đầu hoạt động chui ở nhiều khu dân cư hoặc vỉa hè trước các cổng chợ lớn. Các tiểu thương ở đây phần lớn là người lao động đổ ra vỉa hè, lòng đường buôn bán khi phố xá vắng vẻ.
4h30, tại vỉa hè bên ngoài chợ Phùng Khoang đã phong tỏa, khá đông tiểu thương chở những sọt rau củ quả đến bán. Họ là những người buôn bán hoặc bán rong ở khu vực này đã nhiều năm.
Về phía khách hàng, nhiều người thường đi vào khung giờ này để “an toàn” tránh chốt kiểm dịch, đồng thời đỡ bị va chạm, tiếp xúc với nhiều người nếu đi vào giờ hành chính.
Bà X cho biết việc quy định phiếu đi chợ chỉ sử dụng trong thời gian cố định tại một số quận gây nên nhiều sự bất tiện. Trong khi đó, việc mua bán tại vỉa hè được cho là nhanh chóng, thuận tiện và người dân không cần phải xuất trình giấy tờ.
Tuy nhiên, cũng có những người đã buôn bán vào khung giờ này từ nhiều năm qua. “Dạo này nhiều chợ tại Hà Nội bị phong tỏa nên lượng người đổ ra buôn bán ven đường đông hơn trước. Còn tôi trước đây vốn đã quen bán trên chiếc xe máy lưu động”, một tiểu thương cho biết.
Một phụ nữ kéo xe chở hàng với rất nhiều thực phẩm trong giỏ. Những ngày này, dù đi chợ ở đâu, thời gian nào, phần lớn người dân cũng mua số lượng lớn để tích trữ, nhằm hạn chế ra đường.
Tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông), nhân viên ban quản lý chợ có mặt từ sớm tại các chốt trực. Điểm chợ này dù người dân tuân thủ tốt công tác phòng chống dịch nhưng vẫn xuất hiện nhiều trường hợp có tâm lý “tránh chốt”, e ngại. Do đó, lượng khách đi chợ ít hơn so với người bán hàng rong.
6h sáng, vỉa hè dọc chợ Thượng Đình (quận Thanh Xuân), khá đông người tập trung giao dịch mua bán.
Một số người đeo khẩu trang không đúng cách khiến khách mua hàng khác khi đứng gần cảm thấy không yên tâm.
Phần lớn khách đi chợ vào thời điểm này đều là người cao tuổi. Với những mặt hàng tươi sống, họ lựa chọn đi chợ vào buổi sáng sớm để tiện sử dụng ngay trong ngày.
Nhật Sinh