‘Dân giàu, nước mạnh’
Mục tiêu dân giàu đã có nhiều cơ hội để thực hiện thành công. Nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, nhiều việc phải làm đang trực chờ ở phía trước.
Từ nhiệm kỳ VI đến nay, Đảng khởi động công cuộc Đổi Mới không chỉ dựa vào những kho báu của dân giàu đã huy động được từ các nhiệm kỳ trước, mà còn cộng vào đó sự giàu có về sức sáng tạo của dân.
Theo đó, Việt Nam đã quyết định từ bỏ phương thức kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang phương thức kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là một sự chọn lựa độc nhất vô nhị trên thế giới với mục tiêu được ghi tại Nghị quyết Đại hội VIII về “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.
Vậy là, dân đã giàu về lòng yêu nước, về đức hy sinh, về trí quật cường, nay lại giàu thêm về sức sáng tạo.
Từ sự sáng tạo này, “dân giàu” lần đầu tiên đã chính thức được ghi vào nghị quyết Đại hội Đảng với tư cách là một mục tiêu, thậm chí là mục tiêu đứng đầu trong cây mục tiêu 5 trong 1.
Mục tiêu dân giàu mang nội hàm của sự giàu có về của cải vật chất, tạo cơ sở vững chắc và làm phong phú thêm cho các sự giàu khác đã có trong dân.
Những người cộng sản Việt Nam trong nền tảng triết học của mình đã coi vật chất có trước, ý thức có sau. Nhưng từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mình, phải đến nhiệm kỳ thứ VIII, Đảng mới quyết định đưa mục tiêu về vật chất trên đây thành mục tiêu đứng đầu trong tất cả các mục tiêu Đổi Mới của cách mạng Việt Nam.
Năm 1946, Bác Hồ nói ham muốn tột bậc của mình là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ham muốn đó của Người đã cơ bản được thực hiện. Nay ý Đảng lòng dân đã quyết đưa ham muốn đó lên một tầm cao mới, trở thành “Ước nguyện Việt” về dân giàu.
Không phải ngẫu nhiên mà dân giàu lại đứng đầu của cây mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Khi dân chưa giàu thì nước chưa mạnh, dân chủ chưa đạt đỉnh cao, công bằng còn có những đường ranh chưa vượt qua, ăn minh chưa thể bao trùm.
“Dân giàu” trở thành đầu tầu của đoàn tầu mục tiêu mà đất nước phải phấn đấu quyết liệt trong cả ngắn hạn và dài hạn thời gian tới. Mỗi sự mạnh lên của đầu tầu đều sẽ làm cả đoàn tầu mục tiêu tăng tốc đạt đích cuối cùng.
Tuy nhiên, gần 35 năm Đổi Mới đã trôi qua, mục tiêu “dân giàu” mới vượt qua được mốc xóa đói giảm nghèo, tạo lập được một tầng lớp trung lưu đông đảo, hình thành được tốp đầu tiên của người dân giàu có.
Một nghịch cảnh đã cản đường hành tiến của đoàn tầu mục tiêu, đó là quốc nạn tham nhũng. Nghịch cảnh này khiến dân chưa kịp giàu thì những lãnh đạo không đồng thời là đầy tớ trung thành của nhân dân đã xà xẻo kho ngân sách nhà nước, đục đẽo nguồn tài sản công, móc túi tốp người dân giàu có còn đang ít ỏi để làm giàu riêng cho mình.
Mục tiêu Dân giàu chưa bao giờ được thực hiện thuận buồm xuôi gió.
Với nông dân, ruộng đất tuy đã được đưa về cho dân cầy, nhưng sau gần 7 thập kỷ đổi thay, nay nông dân với quyền sử dụng đất để rồi bị thu hồi bất cứ lúc nào với sự đền bù chỉ đủ để mua lại được 1/10 diện tích bị thu hồi.
Kinh tế tập thể đã một thời sánh vai cùng kinh tế nhà nước, nay còn đâu thời oanh liệt.
Tập đoàn kinh tế bùng nổ liên tiếp 2 thập kỷ để rồi đi vào thoái trào cho tới nay, ngoại trừ một số ít ỏi còn trụ lại được và một số ít được thành lập mới với danh tính Tập đoàn tư nhân.
Trong khi mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những kết quả điển hình trên thế giới, thì mục tiêu dân giàu mới chỉ gặt hái được một số kết quả ban đầu ở tầm quốc nội.
Lực lượng xung kích trong thực hiện mục tiêu dân giàu là hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cho tới nay, mấy vạn hợp tác xã vẫn là sự hợp tác của những người thoát nghèo; Dăm triệu hộ kinh tế gia đình vẫn dẫm chân tại chỗ với tên gọi “Doanh nghiệp li ti”; 700.000 doanh nghiệp tư nhân vẫn ở qui mô nhỏ và vừa là chính; Khu vực doanh nghiệp nhà nước (chỉ số ít DN) thực hiện được đầy đủ vai trò chủ đạo của mình trong nền kinh tế.
Trên toàn cục, mục tiêu dân giàu vẫn đang còn yếu. Đã tới lúc thực trạng này cần được điều trị toàn diện. Từ khi lập nước (năm 1945), chưa bao giờ đất nước có được một cơ đồ như hiện nay.
Mục tiêu dân giàu đã có nhiều cơ hội để thực hiện thành công. Nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, nhiều việc phải làm đang trực chờ ở phía trước, trong đó có ba sự nâng tầm sau đây.
Thứ nhất, nâng tầm nền kinh tế nhiều thành phần. Hiện nay, các thành phần kinh tế đã được thể chế chính trị và pháp luật công nhận về sự đa dạng để được hiện diện công khai trong nền kinh tế.
Sự hiện diện này tuy rất quan trọng, nhưng chưa đủ, trong đó, từ đa dạng cần nâng tầm lên mức bình đẳng, xóa bỏ tình trạng chiếu trên, chiếu dưới, tạo sự liên kết, phối hợp giữa các thành phần để tất cả cùng làm giàu bình đẳng trong một nền kinh tế thống nhất trong đa dạng.
Như vậy, không chỉ nhiều thành phần trong nền kinh tế, mà còn có nhiều thành phần trong cùng một chương trình, một dự án, tập đoàn, doanh nghiệp.
Thứ hai, nâng tầm kế hoạch phát triển. Hiện nay, kế hoạch đã tỏ ra thành công với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhưng chưa đóng góp được bao nhiêu vào thực hiện mục tiêu dân giàu.
Trong thời gian tới, kế hoạch cần được nâng lên một tầm cao mới, đó là chuyển kế hoạch “phát triển kinh tế-xã hội” thành kế hoạch “phát triển làm giàu xã hội”.
Đây không phải đơn thuần là một sự đổi tên của kế hoạch, mà để kế hoạch trở thành một công cụ thực hiện mục tiêu dân giàu, và từ đó tác động mạnh mẽ vào sự phát triển của các ngành và lĩnh vực, các địa phương, vùng miền. Mục tiêu làm giàu sẽ định hình các cân đối vĩ mô, cân đối thu chi và phân phối ngân sách nhà nước.
Hệ thống chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch làm giàu xã hội sẽ hướng vào những chỉ tiêu hiệu quả, chất lượng và phát triển cân đối. Chương trình xóa nghèo bền vững sẽ được dẫn dắt bởi các chương trình làm giàu. Kết quả của thực hiện kế hoạch sẽ được đánh giá bằng các chỉ số về dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ ba, nâng tầm bộ máy Quản lý nhà nước về kinh tế. Hiện tại, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế đã qua nhiều đợt cải cách và hoàn thiện nhưng vẫn chưa thuận với việc thực hiện mục tiêu dân giàu.
Bộ máy này cần được nâng tầm đồng bộ với sự nâng tầm của nền kinh tế nhiều thành phần và nâng tầm của kế hoạch phát triển làm giàu xã hội. Theo đó, bộ máy này tuyệt đối không làm cấp trên của bất cứ loại hình doanh nghiệp nào dù là tư nhân hay hợp tác xã, hộ kinh tế gia đình hay doanh nghiệp nhà nước.
Thay vào đó, bộ máy quản lý nhà nước các cấp phải là bộ máy kiến tạo sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp dù đặt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn nhận được sự kiến tạo từ trung ương.
Ngược lại, doanh nghiệp đặt tại thủ đô hoặc bất kỳ trung tâm kinh tế nào của đất nước cũng đều nhận được sự kiến tạo của chính quyền các cấp sở tại.
Sự trợ giúp kiến tạo của tất cả các cấp dành cho doanh nghiệp đều không lo bị chồng chéo. Ngược lại, việc kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp cần được phân cấp phân minh đối với từng cấp, không được để chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp và tốn kém cho nhà nước.
Nếu phải chọn việc cần điều chỉnh trước tiên về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, việc đó chính là thực hiện xóa bỏ chế độ Bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản đối với doanh nghiệp.
Việc này tuy đã được qui định từ Nghị quyết của Đảng tại nhiệm kỳ VII, nhưng mới chỉ được thực hiện một cách chắp vá, thiên cưỡng, thậm chí bỏ qua từ đó đến nay.
Thay vào đó, tất cả các cấp đều thực hiện quản lý doanh nghiệp theo luật, đặt cấp trên của doanh nghiệp là luật pháp chứ không phải là Bộ hoặc Ủy ban nhân dân.
Được nâng tầm như vậy, bộ máy sẽ lập tức hết chồng chéo, biên chế lập tức được giảm thiểu, tiêu cực lập tức mất đất diễu võ.
Dân tộc ta đã từng tuyên ngôn không biết bao lần về chân lý “Dân là gốc”. Cùng với đó, dân giàu đã có bề dầy lịch sử và chiều sâu xã hội, ngày càng có thêm những cung bậc mới, từ giàu lòng yêu nước, giàu đức hy sinh, giàu tri quật cường, giàu năng lực sáng tạo, và nay là giàu về vật chất.
Mục tiêu dân giàu là đỉnh cao mới của “Ước nguyện Việt” về một quốc gia hùng cường, nhất định sẽ được thực hiện thành công.
TS. Đinh Đức Sinh