+
Aa
-
like
comment

Dàn cựu lãnh đạo VEAM bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hàng trăm tỉ

27/03/2021 16:14

Việc quản lý điều hành của một số bị can từng là lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có nhiều sai phạm gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Dàn cựu lãnh đạo VEAM bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hàng trăm tỉ - Ảnh 1.
Ông Trần Ngọc Hà phát biểu tại một hội nghị đầu năm 2018 – Ảnh: VEAM

Ngày 27-3, theo nguồn tin riêng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty cổ phần thương mại vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan.

Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố các bị can: Trần Ngọc Hà – cựu chủ tịch HĐQT, cựu tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang – cựu tổng giám đốc VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công – đều là cựu phó tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung – giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Máy kéo nông nghiệp…

Bảo lãnh cho công ty con vay tiền gây thiệt hại 76 tỉ

Bị can Trần Ngọc Hà giữ chức tổng giám đốc VEAM từ 2015-2019, là người điều hành hoạt động hằng ngày của tổng công ty. Trong thời gian giữ chức vụ này, bị can Hà không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản nhà nước.

Kết quả điều tra xác định các hành vi sai phạm của bị can Hà dẫn tới VEAM thất thoát tiền của Nhà nước tổng số hơn 135 tỉ.

Dàn cựu lãnh đạo VEAM bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại hàng trăm tỉ - Ảnh 2.
Bị can Vũ Quang Tâm, cựu phó tổng giám đốc VEAM, tại cơ quan điều tra – Ảnh: CA cung cấp

Từ năm 2007 đến 2013, VEAM đã có 6 lần bảo lãnh cho Vetranco vay tiền tại các ngân hàng, cho Vetranco vay tiền nhiều lần trái quy định để ký các hợp đồng kinh doanh mua bán hàng hóa.

Tổng giám đốc của VEAM qua các thời kỳ (từ 2011-2013) đã không thực hiện theo quy trình có sự tham mưu của các bộ phận chuyên môn, ký 7 văn bản bảo lãnh thanh toán cho các hợp đồng tín dụng Vetranco vay tiền tại các ngân hàng.

Sau đó, Vetranco không trả được các khoản vay, nên VEAM buộc phải dùng nguồn tiền của chính tổng công ty trả các ngân hàng gần 76 tỉ đồng.

Tổng giám đốc “vượt thẩm quyền”

Bị can Trần Ngọc Hà đã có quyết định cá nhân về chủ trương phát triển sản phẩm ôtô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Sri Lanka.

Bị can ủy quyền cho Vũ Quang Tâm, cựu phó tổng giám đốc VEAM, thực hiện việc ký kết thỏa thuận với nội dung đầu tư chi phí nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới mà không có nghị quyết của hội đồng thành viên, không có quá trình khảo sát, đánh giá chuyên môn về thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm, không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt của tổng công ty.

Bị can Hà là người trực tiếp ký kết biên bản ghi nhớ với đối tác của Trung Quốc, trực tiếp phê duyệt trái thẩm quyền tờ trình và ký lệnh chi, chuyển cho đối tác 200.000 USD. Ông Hà bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm chính về hành vi gây ra thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Theo kết luận điều tra, hành vi của bị can Trần Ngọc Hà quyết định đầu tư số tiền 400.000 USD để phát triển sản phẩm mới (2 mẫu ô tô tay lái nghịch phục vụ xuất khẩu) mà không được hội đồng thành viên VEAM phê duyệt là trái quy định pháp luật, cũng như quy định của tổng công ty.

Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm để thất thoát số tiền gần 10 tỉ đồng đã đầu tư không có khả năng thu hồi trước hết thuộc về tổng giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà, do đã quyết định vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, bị can Hà còn bị cáo buộc phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung, ký một số hợp đồng khác có nhiều sai phạm, gây thất thoát hơn 56 tỉ đồng.

Lập hợp đồng khống gây thiệt hại 183 tỉ

Cũng theo kết luận điều tra, từ các nguồn vốn vay của VEAM, vốn vay ngân hàng và vốn tự có, Vetranco đã lập các hợp đồng khống mua bán hàng hóa lòng vòng, chuyển tiền cho các doanh nghiệp vay trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 183 tỉ.

Từ tháng 5 đến tháng 8-2013, Vetranco trực tiếp ký 12 hợp đồng mua hàng của Công ty Bách Việt, đề nghị VEAM làm trung gian ký 3 hợp đồng mua hàng, rồi bán lại cho chính Vetranco. VEAM và Vetranco đã chuyển trả tiền ngay theo hợp đồng cho Công ty Bách Việt.

Sau đó, Vetranco ký hợp đồng bán số hàng trên cho các công ty của bị can Trần Quang Tiến (Công ty CP đầu tư Minh Quang, Công ty CP thép Minh Quang, Công ty CP thương mại và đầu tư Tương Lai) với hình thức trả ngay một phần, còn lại trả chậm 90 ngày.

Quá trình điều tra phát hiện đây là những thủ đoạn mua bán lòng vòng để trục lợi. Bởi trước đó Công ty Bách Việt đã ký hợp đồng mua bán số hàng này của chính các công ty của Trần Quang Tiến và dùng số tiền nhận từ Vetranco để thanh toán.

Kết quả điều tra cho thấy toàn bộ hợp đồng nêu trên đều được làm khống, không có hàng hóa mua bán theo nội dung hợp đồng. Hiện các công ty của Trần Quang Tiến đã dừng hoạt động, không còn tài sản gì, không thể trả tiền cho Vetranco, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 183 tỉ đồng.

THÂN HOÀNG

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều