Dân có quyền khiếu nại nếu CSGT dừng xe sai quy định
Đại diện Cục CSGT cho biết người dân có quyền phản hồi bằng nhiều hình thức nếu bị CSGT dừng xe không thuộc 4 trường hợp quy định tại Thông tư 65.
Thông tư 65/2020 của Bộ Công an quy định 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát. Đại diện Cục CSGT cho biết người dân có quyền khiếu nại nếu bị dừng xe nhưng không nằm trong 4 trường hợp quy định.
“Kế hoạch tuần tra, kiểm soát tới đây sẽ được công khai bằng nhiều hình thức như trang web Cục CSGT, trụ sở đơn vị… người dân hoàn toàn có thể nắm bắt được để giám sát”, vị này nói thêm.
Về hình thức phản hồi, Thông tư 67/2019/TT có hiệu lực từ trước đó đã quy định việc người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bằng các thông tin công khai, qua ghi âm, ghi hình.
Nếu thấy chưa thỏa đáng, người dân có quyền phản hồi thông qua nhiều hình thức như các phương tiện thông tin đại chúng, qua quá trình làm việc trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ hoặc thông qua kiến nghị, đơn thư phản ảnh tới đơn vị CSGT làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc giám sát và phản hồi phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng tới quá trình làm nhiệm vụ của CSGT.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, CSGT sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với chỉ huy đơn vị, lãnh đạo cấp trên. Tới đây, Cục CSGT cho biết sẽ tiếp tục bổ sung trang bị camera tuần tra cho CSGT các địa phương để tăng cường hơn nữa sự giám sát và đảm bảo công khai minh bạch.
Theo Thông tư 65/2020, từ 5/8, có 4 trường hợp CSGT có quyền dừng phương tiện.
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thứ tư, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Ngoài ra, thông tư mới cũng quy định trước khi tuần tra, kiểm soát các đơn vị phải thông báo công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện; kiểm tra chuyên đề và kế hoạch xử lý vi phạm thường xuyên.