Dân có giàu, nước mới mạnh
“Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở sau khi trích dẫn lại nội dung câu nói: “Một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế”.
Câu nói ấy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi thảo luận tại một phiên họp mới đây ở Quốc hội về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Quan điểm đó tiếp tục thổi luồng gió mát để cổ vũ cho tinh thần làm ăn kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, vốn vẫn đang đối diện với nhiều thách thức trong môi trường kinh doanh.
Khó vì rào cản
Nhiều năm nay, như là món quà của Chính phủ nhân dịp năm mới, cứ vào đầu năm là Chính phủ lại ban hành nghị quyết 19 (nay là 02) để thúc đẩy các bộ, ngành và chính quyền địa phương tháo gỡ rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó mà tỷ lệ các điều kiện kinh doanh, hay giấy phép con, tại một số bộ, ngành được báo cáo là cắt giảm, đơn giản hoá vượt mức 50%.
Thực tế đó đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở góc độ nào đó. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2017 có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, và đến năm 2018 tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 48%.
Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nói: “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh vẫn là tỷ lệ cao. Nếu nhân con số này với hơn 714 nghìn doanh nghiệp hiện nay thì tức là có đến gần 350 nghìn doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.”
Đáng nói hơn, trong khi 41% doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, hay 49% doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái các doanh nghiệp FDI, thì có tới 70% doanh nghiệp cho rằng Nhà nước có sự ưu ái cho doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu. “Diễn biến xấu là tình trạng ưu ái, trao đặc quyền trong việc tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thân hữu”, ông Tuấn nói thêm.
Việc này, bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nói thẳng “đừng tưởng ai có sân sau Chính phủ không biết, Thủ tướng không biết”…
Nhiều năm nay, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân có đăng ký chính thức chỉ chiếm vỏn vẹn khoảng 9% GDP. Như vậy, nếu các bộ, ngành tiếp tục dỡ bỏ các giấy phép con, đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành thì sẽ giúp dỡ bỏ rất nhiều rào cản để khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Chuyển dịch công tư
Nhà nước đã chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với mong muốn khu vực kinh tế này hoạt động hiệu quả hơn. Không phải bàn cãi, chủ trương đó là rất đúng đắn vì suy cho cùng, nguồn lực nhà nước chuyển sang cho tư nhân thì vẫn là tài sản của quốc gia, của đất nước.
Theo tính toán, sau gần ba thập kỷ cải cách doanh nghiệp nhà nước, số vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm tuyệt đại đa số, hơn 90%, và doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ một khối tài sản khổng lồ, lên đến hàng triệu tỷ đồng. Gần đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn thua lỗ, hoạt động cầm chừng.
Đáng tiếc là quá trình chuyển đổi lại chậm trễ khi cả cổ phần hóa và thoái vốn từ doanh nghiệp nhà nước đều không đạt kế hoạch. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 – 2019 có 168 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 36 doanh nghiệp được cổ phần hóa đạt 28% kế hoạch. Trong giai đoạn 2017 – 2020 Nhà nước có kế hoạch thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong các năm 2017 -2019, số vốn nhà nước thoái chỉ đạt giá đạt 7,8% kế hoạch.
Đó là điều rất đáng suy nghĩ vì nếu nâng cao được hiệu quả dụng được nguồn lực trong khu vực nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước thì có thể tăng GDP thêm 3 điểm phần trăm, đạt mức 8%-8,5% chứ không phải chỉ ở mức như hiện nay, theo tính toán của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung. Lẽ ra, cần buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng, thực hiện các quy tắc thị trường, xóa bỏ đặc quyền đặc lợi, và nâng cao năng lực quản trị thì tăng trưởng của đất nước còn cao hơn nhiều. Hiện quá trình chuyển dịch công tư vẫn đang được thúc đẩy và đây chính là một cách thức tạo thêm xung lực phát triển quan trọng được cả cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người dân mong đợi.
Nguồn lực lớn nhất
Nhiều năm nay xuất hiện nhiều đòi hỏi Nhà nước cần huy động 500 tấn vàng và trên 10 tỷ USD mà người dân đang nắm giữ cho phát triển kinh tế. Những đòi hỏi đó cho thấy, nhu huy động vốn cho phát triển là một thực tế luôn day dứt.
Tuy nhiên, nguồn lực trong dân đâu chỉ có vàng và đô la. Đất đai mới và con người mới là nguồn lực lớn nhất. Đáng tiếc, nguồn lực này không thể vốn hóa, hay thị trường hóa được. Ai cũng biết, đất đai là tài sản có giá trị nhất trong mỗi gia đình, mỗi đơn vị và chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng tài sản toàn xã hội, nhưng nó vẫn không trở thành là nguồn lực tư bản hữu hiệu.
Chẳng hạn trong nông nghiệp, ruộng đất vẫn chỉ được coi là phương tiện sản xuất của nông dân chứ không phải quyền tài sản của họ. Người nông dân không sản xuất thì bị cho là không còn cần phương tiện đấy nữa. Lẽ ra khi không sản xuất thì nông dẫn vẫn có quyền tải sản đối với ruộng đất, họ có quyền chuyển nhượng cho người khác. Làm như vậy thì mới vốn hóa được đất đai và giúp tích tụ ruộng đất. Quy định hiện nay không tiếp cận theo cách quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản, làm cho nguồn lực lớn nhất này không được vốn hóa theo thị trường trong khi gây bất ổn xã hội. Nguồn lực khổng lồ có giá trị lớn hơn rất nhiều con số 500 tấn vàng trong dân này nếu được kích hoạt, giải phóng, được thị trường hóa thì chắc chắn giúp nền kinh tế sôi động.
Nhìn về tương lai
Nhìn về tương lai, Việt Nam vẫn có không gian rộng lớn để phát triển. Chúng ta quốc gia trẻ trung với hơn 24 triệu người, tức hơn một phần tư dân số, đang độ tuổi đi học. Chúng ta cũng đang thuộc giai đoạn dân số vàng mà nhiều nước đã đi qua. Con số đó khô khan nhưng cực kỳ ấn tượng, đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức.
Tư chất của người Việt Nam đã được khẳng định, chúng ta được cho là thông minh, khéo tay, ham học hỏi. Việt Nam luôn có tên danh sách các quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục trong Bảng xếp hạng PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện trong nhiều năm gần đây. Thời kỳ dân số vàng đang diễn ra là một lợi thế. Nhiều tổ chức tính toán, dân số Việt Nam đạt cơ cấu vàng trong 30 năm (2009-2039), trong đó tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt ở mức cao nhất khoảng 65% tổng dân số trong giai đoạn 2015-2025. Cơ cấu “vàng” sẽ kết thúc từ năm 2040. Đây rõ ràng là cơ hội vô cùng lớn cho phát triển mà có quốc gia trên thế giới đã tận dụng được và cũng có nhiều quốc gia khác đã bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Trong bản báo cáo trước Quốc hội cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ vấn đề nguồn lực chính là chìa khóa quan trọng nhất để phát triển. Quan điểm này được ủng hộ sâu sắc không chỉ của các đại biểu Quốc hội, của người dân, doanh nghiệp mà còn nhận được sự tán đồng mạnh mẽ của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Về thành tựu kinh tế, Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc sau Đổi mới và mở cửa hơn 30 năm trước. Ngân hàng Thế giới ghi nhận, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế. Con số này là rất khó hình dung nếu so với tỷ lệ 59% dân số sống đói nghèo những năm đầu thập kỷ 90. Có tới 13% người Việt Nam đã tiến lên tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tầng lớp này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong thập kỷ qua. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu.
Tất cả những những nền tảng nêu trên, và còn nhiều hơn nữa, cho thấy, xu thế phát triển vẫn đang trên đà hứa hẹn; không gian, nguồn nhân lực và đòi hỏi cho tăng trưởng là rất lớn.
Điểm qua một số ví dụ trên cho thấy, người dân còn vô vàn cơ hội để “giàu có” nếu Nhà nước tạo điều kiện cho họ. Dư địa để cải cách nền kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường dường như vẫn còn mênh mông. Làm sao để kích hoạt năng lượng, tinh thần của từng người dân thì phát triển của chúng ta sẽ bùng nổ. Có một số liệu cho nhận định này về tiềm năng của người dân.
Trong đợt rà soát lại nền kinh tế vừa rồi, Tổng cục Thống kê cho biết quy mô GDP tăng lên hơn 25% GDP vì phát hiện thêm 76.000 doanh nghiệp, hầu hết là doanh nghiệp tư nhân. Đó là minh chứng cho thấy, không gian phát triển cho người dân, cho nền kinh tế còn vô vàn. Dân có giàu thì nước mới mạnh.
Tư Giang/VNN