+
Aa
-
like
comment

Dân chủ, minh bạch là nguyên tắc tối thượng trong bầu cử

02/05/2021 09:22

Kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với hoạt động nghị trường, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp để lựa chọn người ưu tú nhất tham gia Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới.

Chất lượng là số 1, cơ cấu là số 2

Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là sự kiện chính trị trọng đại và được coi là một “ngày hội” của toàn dân. Cá nhân ông đánh giá sao về ý nghĩa và tầm quan trọng về sự kiện bầu cử 5 năm mới diễn ra một lần này?

Tôi cho rằng, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện chức năng lập pháp và giám sát tối cao. Mọi quyết sách, định hướng cho sự phát triển đất nước đều do Quốc hội quyết định. Còn HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, quyết định vấn đề phát triển kinh tế – xã hội cũng như các vấn đề lớn ở địa phương.

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có ý nghĩa hết sức quan trọng để hoàn thiện cơ quan dân cử, để vận hành, quản lý Nhà nước một cách tốt nhất. Chính vì vậy, việc lựa chọn các đại biểu có chất lượng, phẩm chất, bản lĩnh, có năng lực là vấn đề mấu chốt, nhân tố quyết định chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Đất nước với gần 100 triệu dân, chúng ta không thiếu người tài, đức. Điều quan trọng là cần phải lựa chọn bằng cơ chế, phương thức nào để chọn đúng và trúng người có tài, đức, tâm huyết, có trình độ.

Vậy phải áp dụng cơ chế, phương thức lựa chọn nào để đạt hiệu quả mong muốn, thưa ông?

Trước tiên cần phải chọn đúng người, đúng việc. Quốc hội và HĐND là cơ quan đại diện cho nhân dân nên phải chọn theo cơ cấu, thành phần. Mỗi tầng lớp, giai tầng trong xã hội đều có người đại diện để đảm bảo tính dân chủ, tính đại diện trong cơ quan quyền lực Nhà nước này.

“Công khai, minh bạch, dân chủ là nguyên tắc tối thượng để dân biết, dân bàn, dân quyết định người đại diện tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất ở trung ương và địa phương”

TS Bùi Đức Thụ

Như vậy sẽ có vấn đề đặt ra, đảm bảo tính đại diện có ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu không? Vì đại diện các tầng lớp khác nhau, tất yếu trình độ sẽ khác nhau. Nhưng giữa tiêu chí đại diện và chất lượng đại biểu, chúng ta phải coi chất lượng, năng lực đại biểu dân cử là số một, còn cơ cấu là vấn đề số hai. Không nên đặt ngang bằng nhau, cũng không nên quá nặng về cơ cấu để không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó phải có cơ chế, phương thức lựa chọn phù hợp để ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, ngăn chặn tình trạng “lợi ích nhóm”, kéo bè, kết cánh để giới thiệu cánh hẩu, người thân, con em, ruột thịt, họ hàng vào các vị trí khác nhau trong hệ thống Nhà nước cũng như cơ quan dân cử.

Tiêu chuẩn và yêu cầu của đại biểu dân cử rất cao. Họ là chính trị gia, phải am hiểu, có năng lực để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như ở từng địa phương; phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; biết lắng nghe, tổng hợp, rồi phải có năng lực hoạt động nghị trường, có kỹ năng phát biểu, tranh luận… Ngoài tiêu chuẩn chung, họ phải là người trong sáng, có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, vì lợi ích chung.

Vận động bầu cử, lựa chọn đại biểu phải được diễn ra bình đẳng, đúng pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong vận động bầu cử để “vận động không trong sáng”, không đúng pháp luật. Họ nhân đó mà tài trợ cho người dân, quyên góp, ủng hộ người nghèo, làm nhà tình nghĩa, lấy lòng cử tri. Đừng có lợi dụng, tranh thủ tình cảm, phiếu bầu, làm mất tính bình đẳng, khách quan trong bầu cử.

Minh bạch và kiểm chứng thông tin

Để cử tri và nhân dân lựa chọn được người đại diện xứng đáng nhất, trước tiên họ cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin để nghiên cứu, tìm hiểu các ứng viên. Điều này đòi hỏi sự công khai, minh bạch về thông tin với mỗi ứng viên?

Đúng vậy. Để lựa chọn được đại biểu có tài, đức, đủ tâm đủ tầm, phải công khai, minh bạch từ khâu quy hoạch, giới thiệu ứngviên cũng như trong việc sử dụng đại biểu dân cử. Công khai có ý nghĩa rất quan trọng, pháp luật của chúng ta đã quy định rồi, nhưng cần rà soát lại, xem đã thực hiện đúng chưa, đã thực sự công khai chưa? Quy hoạch như thế nào, giới thiệu như thế nào, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đánh giá về từng ứng cử viên ra sao? Mặt khác, công khai, minh bạch cũng là cách để dân giám sát, có ý kiến đóng góp với người đại diện của mình.

Ngoài yếu tố công khai, cần phải có kiểm chứng và minh bạch thông tin. Trong hồ sơ ứng cử và sau khi trúng cử đều quy định rất chi tiết, có hướng dẫn, nhưng điều quan trọng, những thông tin, tài liệu đó có minh bạch không, đã được kiểm chứng chưa? Theo tôi, cần chú trọng một số thông tin, như bằng cấp có sát thực không, có mua bán, có bằng giả không? Quá trình công tác, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế của họ như thế nào? Tránh tình trạng chỉ nêu thành tích, còn khuyết điểm chỉ ghi chung chung.

Theo quy định của Đảng, những chức danh này phải kê khai tài sản. Vậy tài sản đó có đúng, có sát thực không? Đã được kiểm chứng chưa? Cần tránh tình trạng kê khai chung chung, lại không công khai, hoặc công khai ở phạm vi hẹp, không kiểm chứng. Hay như quá trình công tác, anh đã từng làm gì, kết quả ra sao, có đề bạt, bổ nhiệm “thần tốc” không? Không chỉ bản thân họ, mà gia đình, người thân của họ cũng cần phải xem xét, có chấp hành pháp luật không. Hay bản thân họ chấp hành, nhưng vợ con lại vi phạm pháp luật, có “sân sau”?

Như vậy, bên cạnh yếu tố minh bạch, việc dân chủ, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ nhân dân sẽ là thước đo tốt nhất với từng ứng viên?

Rõ ràng để lựa chọn được người xứng đáng nhất, phải dân chủ trong từng khâu, từng bước, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là ý kiến nơi công tác và nơi sinh sống. Ngoài những đánh giá tốt, cần chú ý đến những ý kiến trái chiều, dù chỉ là thiểu số, nhưng cần lắng nghe, làm rõ, nếu cần phải xử lý cho nghiêm. Không vì tuyệt đại đa số đánh giá tốt mà bỏ qua ý kiến thiểu số. Bởi đôi khi những ý kiến tuy thiểu số nhưng lại đúng, còn đánh giá thành tích nhiều khi lại do cả nể, không dám nói thẳng, nói hết.

Vì thế, trong lựa chọn đại biểu dân cử, phải thực hiện dân chủ, xem xét, lắng nghe ý kiến của dân trong từng quy trình, từng khâu một. Thậm chí, có thể mở những diễn đàn, lấy ý kiến đánh giá từng đại biểu. Với ý thức chính trị và cả sự quan tâm, tôi tin người dân sẽ phát hiện ra những người không xứng đáng và có ý kiến ngay. Đó là những thông tin hết sức quý giá để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, tính dân chủ không chỉ ở những người được các tổ chức, cơ quan giới thiệu, mà quyền tự ứng cử cũng phải được đảm bảo bình đẳng, minh bạch, công khai theo quy định của pháp luật.

Cảm ơn ông!

THÀNH NAM (thực hiện)

Bài mới
Đọc nhiều