+
Aa
-
like
comment

Dàn chiến hạm Mỹ – Anh đang hiện diện gần Iran

23/07/2019 08:13

Mỹ và Anh duy trì hạm đội tàu chiến mang hỏa lực mạnh gần Iran với nòng cốt là tàu sân bay và vũ khí tấn công tầm xa.

 Dàn chiến hạm Mỹ - Anh đang hiện diện gần Iran
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln và các chiến đấu cơ đi kèm hồi tháng 1. Ảnh: US Navy.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh với lý do “không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế” khi đi qua eo biển Hormuz. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đánh giá đây là hành động trả đũa việc Anh bắt tàu Grace 1 ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar hồi tháng trước.

Giới chuyên gia cảnh báo động thái này của Iran có thể dẫn tới nguy cơ bùng phát xung đột tại Trung Đông, kéo nhiều chiến hạm uy lực của Anh và Mỹ vào cuộc chiến.

Hải quân Mỹ hồi tháng 5 bắt đầu triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến Trung Đông, sau khi có thông tin tình báo cho rằng Iran đang đưa tên lửa đạn đạo lên các tàu chiến ở eo biển Hormuz. Hàng không mẫu hạm Mỹ được trang bị nhiều hệ thống tác chiến điện tử, mồi bẫy và vũ khí tầm ngắn để phòng thủ trước tên lửa hành trình, bom và xuồng vũ trang Iran.

Đi kèm USS Abraham Lincoln là Không đoàn tàu sân bay số 7 với biên chế hàng chục máy bay các loại, trong đó một nửa là tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet. Các phi đội F/A-18 đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ hạm đội, tuần tra không phận và tấn công mặt đất tầm xa.

Không đoàn tàu sân bay số 7 còn sở hữu tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler chuyên gây nhiễu, chế áp và tấn công hệ thống phòng không đối phương. Máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye đóng vai trò là tai mắt của cả nhóm tác chiến tàu sân bay, có nhiệm vụ phát hiện, truyền tham số mục tiêu và điều phối hoạt động trên không.

Hộ tống USS Abraham Lincoln là tàu tuần dương USS Leyte Gulf, khu trục hạm USS Bainbridge, USS Gonzalez, USS Mason và USS Nitze. Dàn chiến hạm này trang bị tổng cộng gần 500 ống phóng thẳng đứng mang được tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km, tên lửa phòng không tầm xa và vũ khí chống ngầm.

Ngoài cụm tàu sân bay USS Abraham Lincoln, hải quân Mỹ cũng đang triển khai nhóm tác chiến thuộc Hạm đội 5 do tàu đổ bộ tấn công USS Boxer dẫn đầu, cùng tàu vận tải đổ bộ USS John P. Murtha, tàu bến đổ bộ USS Harpers Ferry và một tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Nếu căng thẳng Washington – Tehran bùng phát thành chiến tranh, nhóm tác chiến USS Boxer sẽ nằm trong tâm điểm xung đột và trở thành căn cứ tiền phương cho mọi chiến dịch nhằm vào Iran.

USS Boxer có thể biên chế tối đa 30 máy bay các loại tùy thuộc nhiệm vụ. Trong các chuyến tuần tra thông thường, nó thường mang 6 tiêm kích AV-8B Harrier, 4 trực thăng tấn công AH-1Z Viper, 12 trực thăng lai MV-22B Osprey, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E Super Stallion và 4 trực thăng đa dụng UH-1Y Venom hoặc MH-60R Seahawk.

Không chỉ có các loại máy bay, USS Boxer còn sở hữu thủy thủ đoàn 1.000 người cùng 1.500 lính thủy đánh bộ thuộc Đơn vị thủy quân lục chiến viễn chính (MEU) số 11. Bên dưới sàn đáp là lực lượng tăng thiết giáp, pháo binh và xe việt dã đủ để thực hiện chiến dịch đổ bộ, tấn công đánh chiếm bờ biển chớp nhoáng.

Khu vực hoạt động của Hạm đội 5 hải quân Mỹ. Đồ họa: CNN.
Khu vực hoạt động của Hạm đội 5 hải quân Mỹ. Đồ họa: CNN.

Trong khi đó, hải quân Anh đang triển khai ít nhất 5 chiến hạm ở Vùng Vịnh, gồm tàu hộ vệ tên lửa HMS Montrose cùng 4 tàu quét mìn lớp Sandown với nhiệm vụ chính là chống cướp biển và bảo đảm quyền tự do hàng hải qua eo biển Hormuz. Tàu khu trục phòng không HMS Duncan cũng được điều tới khu vực để thay thế HMS Montrose.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 16/7 cho biết khinh hạm HMS Kent và tàu hậu cần RFA Wave Knight cũng sẽ xuất hiện ở các vùng biển gần Iran. Vũ khí chủ lực của các chiến hạm Anh là pháo tự động 30 mm, có thể đối phó hiệu quả với chiến thuật dùng số lượng lớn xuồng vũ trang của Tehran.

Một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Astute dường như cũng sẽ được điều tới Vùng Vịnh nhằm tập trung trinh sát khu vực cảng Bandar Abbas, cũng như theo dõi hạm đội tàu ngầm hạng nhẹ của Iran tại eo biển Hormuz.

Tàu ngầm lớp Astute trang bị vũ khí chính gồm 38 tên lửa hành trình Tomahawk Block IV hoặc ngư lôi Spearfish. Hệ thống tác chiến điện tử trên con tàu có giá tới 1,5 tỷ USD này có thể chặn thu các cuộc đàm thoại vô tuyến từ khoảng cách hơn 300 km. Thông tin sẽ được các chuyên gia ngôn ngữ trên tàu đánh giá, sau đó gửi về sở chỉ huy.

Tàu khu trục phòng không HMS Duncan của Anh. Ảnh: Royal Navy.
Tàu khu trục phòng không HMS Duncan của Anh. Ảnh: Royal Navy.

Chuyên gia Sim Tack thuộc công ty tư vấn địa chính trị Stratfor của Mỹ cho rằng mục tiêu tác chiến của Iran là gây thiệt hại cho hải quân Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay trong trường hợp bùng phát xung đột. Tuy nhiên, Washington đã thay đổi chiến thuật và triển khai tàu sân bay ở biển Arab, nằm ngoài tầm bắn của phần lớn tên lửa Iran, thay vì hoạt động trong khu vực chật hẹp gần eo biển Hormuz.

“Với tầm hoạt động xa của nhóm tác chiến tàu sân bay, Mỹ có thể tung đòn tấn công Iran từ biển Arab, thay vì áp sát và có nguy cơ trúng thủy lôi hoặc bị tàu ngầm Iran tấn công. Hiện chưa rõ Washington và London có phát động chiến dịch giải cứu thủy thủ tàu dầu Anh bị bắt hay không. Tuy nhiên, sự hiện diện hùng hậu có thể là đòn răn đe, ngăn Iran tiến hành những hành động tương tự”, Tack nhận định.

(Theo VnExpress)

Bài mới
Đọc nhiều