Đàn bò tót lai quý hiếm “ốm o gầy mòn”: Hơn năm qua, chúng chỉ được ăn rơm khô cầm cự qua ngày
Ông Tích chia sẻ với PV, đàn bò tót lai đang bị các cơ quan quản lý bỏ mặc, khả năng sẽ chết dần chết mòn. Suốt hơn năm qua, chúng chỉ được ăn rơm khô cầm cự qua ngày.
Theo phản ảnh của báo Tuổi trẻ, đàn bò F1 lai giống con bò tót rừng sau khi được tập trung nuôi, bảo tồn nhân giống thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) 6 năm trước thì nay bị “bỏ đói khát, ốm trơ xương”.
Số bò tót rừng này được được Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học & Công nghệ (KH-CN) tỉnh Lâm Đồng nuôi, bảo tồn nhân giống tại xã Phước Bình.
Ông Nguyễn Đình Tích (ngụ thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình – người trực tiếp chăm nuôi đàn bò này) thông tin với phóng viên báo Tuổi trẻ, đàn bò tót lai F1 được nuôi nhốt tại khu vực trại 200m2 để nhân giống theo một dự án bảo tồn từ năm 2014 đến nay. Khoảng một năm nay, đàn bò này không được các đơn vị đang quản lý chúng quan tâm đúng mức nên bị đói khát, hằng ngày chỉ ăn rơm khô thiếu dưỡng chất.
Ông Tích chia sẻ với VnExpress, đàn bò tót lai đang bị các cơ quan quản lý bỏ mặc, khả năng sẽ chết dần chết mòn. Suốt hơn năm qua, chúng chỉ được ăn rơm khô cầm cự qua ngày. Mỗi con chỉ được cuộn rơm một ngày, nay cũng bớt xuống chưa được một cuộn (7-8 cuộn cho 11 con).
Cũng theo tính toán của ông Tích, chỉ chừng 1 tuần nữa thôi, rơm trong kho sẽ hết sạch. Chiều 25/9, ông phải gọi điện lên Lâm Đồng tiếp tục thông báo tình trạng ốm yếu của đàn bò và hỏi xem khi nào được trả tiền công chăm sóc, được trả tiền mua rơm cho đàn bò.
Ông Nguyễn Văn Vinh (người được thuê chăm sóc đàn bò tót lai) kể trên báo Thanh niên online, mỗi ngày ông bỏ 8 bó rơm khô vào khu vực chuồng trại và bơm nước vào máng để đàn bò tót ăn uống.
Theo tin từ báo Thanh niên, 10 con bò tót lai được Sở KH-CN hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng mua lại của người dân và tạo vùng khoanh nuôi phù hợp với môi trường sống của bò tót.
Việc này nhằm thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (bos gaurus) và bò nhà (bos taurus) tại Vườn Quốc gia Phước Bình. Kinh phí thực hiện đề tài là hơn 1,9 tỉ đồng.
Các kết quả nghiên cứu và tài sản của đề tài nêu trên đã bàn giao cho Trung tâm ứng dụng KH-CN Lâm Đồng để tiếp tục kế thừa chủ trì thực hiện đề tài cấp Quốc gia “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa” với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng; đến tháng 6/2019 thì kết thúc đề tài.
Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng trả lời trên VnExpress, khi dự án nghiên cứu kết thúc vào tháng 6/2019, đơn vị ông tạm thời phụ trách chăm sóc đàn bò tót lai ở Phước Bình. Do chưa có dự án mới, từ đó đến nay, đơn vị phải tự bỏ kinh phí sự nghiệp ra để duy trì nên rất khó khăn.
Theo ông Chương, sắp tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ bàn giao đàn bò tót lai lại cho tỉnh Ninh Thuận, mà đơn vị trực tiếp tiếp nhận là Vườn quốc gia Phước Bình.
Đáng nói, trong khi người trông coi trại bò lo đàn bò tót lai quý hiếm này “chết dần chết mòn” thì Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH-CN Lâm Đồng khi trả lời báo Thanh niên khẳng định: “Không có chuyện bò bị ốm trơ xương đâu. Bò tót to lớn, 1 con nhỏ cũng 400 – 500 kg, còn con lớn thì lên đến 700 – 800 kg nên nhìn thấy như vậy là gân bò nó cuồn cuộn chứ không phải là ốm đâu. Muốn biết ốm hay mập phải có chuyên gia”.
Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình Nguyễn Công Vân cho VnExpess biết, dù biết đàn bò đang “ốm o gầy mòn”, song đơn vị không thể làm gì được vì chưa được tiếp nhận trở lại. Khi được bàn giao, đơn vị sẽ chọn một vị trí khác trong Vườn Quốc gia để nuôi dưỡng, phục vụ nghiên cứu.
Trong bản tin “Tham quan thực địa trang trại bò tót lai tại Vườn Quốc gia Phước Bình” được báo Ninh Thuận online đưa ngày 14/05/2015 về đàn bò tót lai này có đoạn: “Sở Khoa học& Công nghệ Ninh Thuận phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng và Vườn QGPB để thực hiện đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của Bò lai F1 giữa Bò tót và bò nhà tại vùng rừng giáp ranh giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng” với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Hiện 10 con bò tót lai đang nuôi dưỡng có độ tuổi từ 2-4 năm, trọng lượng 3-4 tạ, gần gấp đôi so với bò nhà ở cùng độ tuổi. “Bò tót là nguồn gen quý dự trữ trong thiên nhiên, để có thể lai tạo với các giống bò khác. Giá trị kinh tế mỗi con có thể cung cấp 500-600kg thịt.
Sử dụng bò lai Bò tót F1 để tạo ra đàn bò lai F2, có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa nguồn gen quý từ động vật hoang dã vào vật nuôi nhằm cải thiện năng suất, chất lượng. Ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hoà sẽ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về giống bò lai bò tót (F1. F2) ; tiếp tục xây dựng dự án nhân rộng kết quả đề tài, tạo ra các bò lai F2 làm bò giống thương phẩm và thương mại hóa sản phẩm trên thị trường”.
(Tổng hợp)