+
Aa
-
like
comment

Đàm phán FTA thế hệ mới – một quyết sách chiến lược thời hội nhập toàn diện và sâu rộng

31/07/2020 06:45

Sau gần 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đất nước hội nhập toàn diện và sâu rộng …

dam phan fta the he moi mot quyet sach chien luoc thoi hoi nhap toan dien va sau rong
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (giữa) cùng thành viên đoàn Việt Nam tại lễ ký Hiệp định EVFTA và EVIPA, ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.

Năm 2020 là một dấu mốc đầy ý nghĩa, đúng 10 năm nước ta quyết định khởi động tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới – một quyết sách chiến lược trong chính sách đối ngoại, một bước ngoặt trong tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Với các cán bộ ngoại giao tham gia đàm phán FTA thế hệ mới, đây là một chặng đường đầy ý nghĩa, vì có quá nhiều thách thức, nhiều điều để những cán bộ ngoại giao vốn chủ yếu xử lý các vấn đề chính trị – an ninh phải trăn trở, học hỏi, trưởng thành và cống hiến.

Chỉ trong năm năm từ 2010-2015, tất cả chín đàm phán FTA mới của nước ta dồn dập được công bố và khởi động: bắt đầu là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (3/2010) – sau này là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, FTA với EU (EVFTA, 10/2010), rồi các FTA với Khối thương mại tự do châu Âu – EFTA (5/2012), Liên minh kinh tế Á- Âu – EAEU (3/2013), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP (3/2013), FTA ASEAN – Hong Kong (7/2014), các FTA song phương với Chile (10/2008), Hàn Quốc (8/2012) và Israel (12/2015) –  đều là những FTA đầu tiên của nước ta với các khu vực châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông. Rồi nhiều đàm phán lần lượt được kết thúc, như với Chile (2011), Hàn Quốc (2014), EAEU, TPP và EVFTA (trong 2015). Thời gian này, dường như cứ vài tuần, các đội đàm phán FTA của Vụ Hợp tác kinh tế đa phương lại lần lượt cùng các Bộ ngành thành viên Đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế – thương mại tiến hành tham vấn nội bộ, trăn trở xây dựng đề án, phương án đàm phán, khẩn trương phối hợp với các Cơ quan đại diện của ta vận động ngoại giao, rồi lại lăn lộn bay đi các khu vực để đàm phán cùng một lúc 5-6 hiệp định FTA…

Có thể nói, đó là một trong những thời điểm hội tụ nhiều thay đổi sâu sắc về cả nhu cầu đối nội và môi trường đối ngoại của nước ta. Bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, thế giới bị tác động rất sâu sắc bởi cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu 2008-2009, hầu hết các trung tâm kinh tế lớn rơi vào khủng hoảng, hệ thống thương mại đa phương, WTO đình trệ… Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế, lạm phát gia tăng, thâm hụt thương mại, bong bóng bất động sản, thu hút vốn đầu tư, kiều hối… bị tác động mạnh.

Trước những thách thức khôn lường, Đại hội XI của Đảng (2011) đã quyết định lựa chọn chiến lược: ở trong nước thì đẩy mạnh đổi mới toàn diện; ở bên ngoài thì chuyển từ hội nhập kinh tế sang hội nhập quốc tế toàn diện với phương châm “triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Đó cũng là lúc các nước, nhất là các nước lớn, đẩy mạnh điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại, khởi xướng và thúc đẩy hình thành các tập hợp lực lượng, các FTA thế hệ mới để mở rộng không gian phát triển, ứng phó với hệ lụy của khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu và đẩy tới các vấn đề kinh tế – thương mại mới.

dam phan fta the he moi mot quyet sach chien luoc thoi hoi nhap toan dien va sau rong 1
Đàm phán FTA thế hệ mới – một quyết sách chiến lược thời hội nhập toàn diện và sâu rộng.

Quyết sách của Việt Nam chính là nhằm nắm bắt xu thế phát triển và liên kết của thời đại số, thúc đẩy mạnh mẽ đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại nói chung và quan hệ kinh tế đối ngoại nói riêng, đưa tiến trình hội nhập lên tầm mức toàn diện, sâu rộng hơn nhiều so với trước, tạo thêm động lực cho đổi mới toàn diện và phát triển trong nước. Với nội hàm cao và quy mô rộng lớn của các FTA thế hệ mới, chiến lược của Việt Nam không thuần túy là vấn đề mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới, mà trên hết là nhằm gắn kết chặt chẽ hơn Việt Nam với chuỗi cung ứng, sáng tạo của khu vực và toàn cầu, tạo dựng mạng lưới đan xen lợi ích dài hạn giữa nước ta với các trung tâm chính trị – kinh tế trên thế giới, qua đó hình thành không gian rộng lớn chưa từng có cho hòa bình, phát triển và nâng cao vị thế đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Có lẽ, một trong những bài học lớn là, trong thời kỳ hội nhập toàn diện, sâu rộng và xu hướng các tập hợp lực lượng kinh tế gắn với tính toán chiến lược, thì vai trò và tầm chiến lược của ngành Ngoại giao càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết trong các đàm phán kinh tế – thương mại.  Nhiều băn khoăn, vấn đề lớn về chiến lược, hội nhập, lợi ích, thách thức và thời cơ… luôn đặt ra trong suốt quá trình chuẩn bị, khởi động, đàm phán, ký kết và phê chuẩn các FTA thế hệ mới: Ta được gì trong đàm phán khi ở thế yếu hơn về trình độ phát triển, nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh ngay tại “sân nhà”? Thời cơ hay thách thức sẽ nhiều hơn? FTA thế hệ mới có làm cho hội nhập nước ta đi quá nhanh không, trong khi trong nước chuẩn bị chưa đầy đủ? Ta có đủ năng lực tiến hành cùng một lúc nhiều đàm phán không, trong khi chưa hề có kinh nghiệm đàm phán các vấn đề kinh tế – thương mại thế hệ mới, lại đàm phán với nhiều đối tác lớn, các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới?… Ngành Ngoại giao đã thực sự phát huy bản lĩnh và vai trò trong chủ trì đánh giá lợi ích chiến lược và chính trị – đối ngoại góp phần tạo cơ sở cho quyết sách đi vào đàm phán; cách tiếp cận đối ngoại tổng thể, dài hạn đóng góp không nhỏ vào quyết định khởi động và kết thúc đàm phán; chủ trì vận động chính trị – ngoại giao, tạo thêm thế cho đoàn ta trong đàm phán kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ các vướng mắc chính trị và cả kỹ thuật; tham gia tăng cường đồng thuận và năng lực thực thi trong nước…

Đến nay, cùng với nỗ lực hoàn tất các cam kết trong sáu hiệp định FTA của ASEAN với các đối tác và Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật (được triển khai từ năm 1996), nước ta đã ký kết và đi vào thực thi sáu hiệp định FTA mới, trong đó có Hiệp định CPTPP từ tháng 01/2019 và Hiệp định EVFTA  từ tháng 8/2020. Đúng như Đại hội XII của Đảng xác định, việc “thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” nâng hội nhập quốc tế của nước ta lên “tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước”.  Do đó, “triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do,…ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” trở thành một trong những trọng tâm của hội nhập quốc tế thời kỳ mới.n

* Đại sứ, nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế đa phương (2008-2015), Nguyên Phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế – thương mại

TGVN

Bài mới
Đọc nhiều