+
Aa
-
like
comment

‘Đàm phán EVFTA, Việt Nam phải xử lý mâu thuẫn lợi ích các nước lớn’

02/07/2019 09:09

Nói với PV, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đàm phán EVFTA là quá trình dài, nhiều áp lực, trong đó có việc xử lý mâu thuẫn lợi ích của nhiều nước lớn. 

Ngày 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định tự do thương mại (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sự kiện đánh đấu bước tiến mới trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và người dân 2 bên.

PV trò chuyện Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về quá trình đàm phán, cũng như việc thực thi hiệp định trong thời gian tới.

Đàm phán khó nhất là các chương phi truyền thống

– Chúc mừng Bộ trưởng vì kết quả của gần 10 năm đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, 2 hiệp định EVFTA và EVIPA là hai tuyến cao tốc nối Việt Nam với EU và ra thế giới. Nhìn lại quá trình đàm phán, ông có thể nói gì?

– Đó là một quá trình rất dài. Nếu tính từ thời điểm lãnh đạo cấp cao 2 bên tuyên bố chủ trương đàm phán đến khi ký kết là 9 năm. Tuy nhiên, nếu tính từ khi Việt Nam và EU có buổi làm việc tại thủ đô Brussels (Bỉ), chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA đến nay là tròn 7 năm.

Bắt đầu từ tháng 6/2010 đến 2012, chúng ta bắt đầu đi vào đàm phán thực chất. Đến năm 2015, chúng ta đã hoàn thành 14 vòng đàm phán với các nội dung toàn diện, yêu cầu rất cao, phủ rộng cam kết của 2 bên.

'Dam phan EVFTA, Viet Nam phai xu ly mau thuan loi ich cac nuoc lon' hinh anh 1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Việt Linh.

Đến năm 2015, 2 bên kết thúc đàm phán và bước vào quá trình rà soát pháp lý và đến năm 2017 thì hoàn tất. Nhưng thời điểm 2017 có nhiều phát sinh do vấn đề nội bộ của châu Âu. Từ đó dẫn đến các nội dung liên quan đến đầu tư, bảo hộ đầu tư, xử lý tranh chấp đầu tư. Từ đó, bối cảnh đòi hỏi phải tách riêng ra thành 2 hiệp định là thương mại và đầu tư như hiện nay.

Thời gian kéo dài đến năm 2018 mới hoàn tất rà soát pháp lý rồi trình thông qua bởi Hội đồng châu Âu.

Như vậy quãng thời gian 9 năm là dài. Tuy nhiên, cũng hiệp định thương mại tự do như vậy, nhưng EU đàm phán với khối MERCOSUR mất 20 năm. Như vậy có thể nói EVFTA và EVIPA lần này là nỗ lực rất mạnh mẽ của cả 2 bên.

– Trong quá trình đàm phán, với ông, điều gì là khó khăn nhất?

– Khi đàm phán, có những nội dung mang tính toàn diện, điều khoản cao, trong khi mỗi bên tham gia lại có trình độ khác biệt rất lớn. Các bên phải đối mặt nhiều khó khăn trong các chương về vấn đề truyền thống như thuế quan… và phi truyền thống, nhưng khó nhất là các chương phi truyền thống. Những nội dung này bao gồm mua sắm của chính phủ, bảo hộ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, một số vấn đề liên quan nội dung đầu tư và bảo hộ đầu tư. Có thể nói đây đều là vấn đề rất phức tạp.

Đoàn đàm phán của cả 2 bên đều nỗ lực rất lớn, có lúc phải liên tục làm việc. Hai bên cũng có cơ chế chỉ đạo thống nhất và đồng bộ của phía Việt Nam và từ các thành viên EU.

Không dễ dàng gì nhắc lại những khó khó khăn của từng vấn đề nhưng 2 hiệp định lần này được ký có chất lượng rất cao, đòi hỏi cam kết mạnh mẽ của các bên.

Cân bằng lợi ích giữa các nước lớn khi đàm phán FTA với Việt Nam

– Quá trình đàm phán FTA với EU trùng vào thời gian Việt Nam đàm phán CPTPP, các FTA với Hàn Quốc, Nga… Vậy có điểm gì khác biệt giữa các cuộc đàm phán này hay không?

– Việt Nam phải đối mặt với việc xử lý mâu thuẫn quyền lợi đan xen giữa nhiều nước lớn đang đàm phán FTA với chúng ta. Thời điểm 2015, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau này là CPTPP. Đây cũng là năm đàm phán giữa Việt Nam với Nga, Hàn Quốc và EVFTA đi vào chặng nước rút và hoàn tất.

Trong FTA với EU và TPP, khó nhất đối với đoàn đàm phán Việt Nam là xử lý mâu thuẫn cách tiếp cận giữa Mỹ và EU liên quan đến chỉ dẫn địa lý cùng nhiều vấn đề khác.

Ngoài ra, trong quá trình đàm phán, các nước lớn luôn nhìn vào nhau xem phía đối tác mở cửa cho nước khác ra sao. Việt Nam đứng trước áp lực cực kỳ cao vì phải tính toán cân bằng lợi ích các nước khi chúng ta đàm phán một số FTA khác nhau. Chỉ cần lộ một chút thông tin về ý định ưu đãi nhiều hơn cho nước nào đó thì chắc chắn gặp phải sự phản ứng gay gắt.

'Dam phan EVFTA, Viet Nam phai xu ly mau thuan loi ich cac nuoc lon' hinh anh 2
Thủ tướng đánh giá EVFTA là cao tốc hiện đại nối Việt Nam với EU.  

– Nhiều người nói về nguyên tắc win-win, nghĩa là 2 bên cùng thắng khi ký EVFTA. Tuy nhiên, có những nhận định cho rằng một bên sẽ được nhiều hơn. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

– Việt Nam được nhiều hơn là điều dĩ nhiên vì thực tế trình độ phát triển của chúng ta thấp hơn. Ngay khi đàm phán, 2 bên đã thống nhất cách tiếp cận bất tương xứng, căn cứ theo trình độ phát triển của các bên.

Điều đó dẫn đến trong quá trình đàm phán, có những nội dung sẽ thiết lập lộ trình và các bước triển khai thực hiện cam kết phù hợp trình độ phát triển.

Tuy nhiên, các tiếp cận bất tương xứng cũng dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, tránh các bên bị thiệt hại.

Xử lý hàng hóa đội lốt khi có các FTA

– Chúng ta đã ký rất nhiều FTA với các nước trên thế giới, có CPTPP, hiện tại là thêm EVFTA. Bộ Công Thương sẽ hành động ra sao để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được những cơ hội mà các FTA này mang lại?

– Việc tận dụng EVFTA đúng là thách thức rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta cũng phải thừa nhận nền kinh tế Việt Nam ở trình độ phát triển còn thấp. Năng lực cạnh tranh, chi phí giá thành, việc xây dựng thương hiệu, quản trị thương hiệu, quản trị công nghệ của nhiều doanh nghiệp ở mức thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thế giới, chứ chưa nói gì châu Âu.

Do đó, chúng ta phải tổ chức tốt cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để thụ hưởng và khai thác tốt nhất cơ hội thuận lợi từ EVFTA và EVIPA.

Thực tế thứ hai, trong câu chuyện tổ chức thực thi, chúng ta cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng một cách đồng bộ. Ngoài ra cần chú trọng khâu truyền thông, giới thiệu về hiệp định cho doanh nghiệp và người dân.

'Dam phan EVFTA, Viet Nam phai xu ly mau thuan loi ich cac nuoc lon' hinh anh 3
Sau khi EVFTA thực thi, người tiêu dùng sẽ được sử dụng nhiều sản phẩm từ châu Âu với thuế suất 0%.  

Chúng ta phải truyền tải được nội dung và những cam kết của hiệp định. Từ đó người dân và doanh nghiệp có thể hiểu được rõ tác động, để thụ hưởng cao nhất.

Về lâu dài, chúng ta sẽ xây dựng chương trình hành động. Chương trình đó phải có cơ quan đầu mối giám sát, đôn đốc thực hiện.

– Việt Nam đang có nhiều FTA quan trọng với các đối tác lớn trên thế giới. Đó cũng là cơ hội để hàng hóa một số nước “đội lốt” hàng Việt, gian lận xuất xứ để được hưởng các ưu đãi. Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì cho vấn đề này?

– Trong hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề làm giả nguồn gốc xuất xứ là vấn đề lớn mà chúng ta cần quan tâm. Không chỉ trong các FTA mà còn cả thương mại quôc tế, câu chuyện phòng vệ thương mại, “đội lốt” hàng hóa, gian lận thương mại là vấn đề lớn.

Việt Nam đang rất quan tâm và có biện pháp quyết liệt xử lý vấn đề này. Đây không phải là vấn đề mới, Chính phủ đã dày công nghiên cứu. Chắc chắn trong thời gian tới Chính phủ sẽ có biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để vấn đề này.

(Theo Zing News)

Bài mới
Đọc nhiều