Đàm phán COC: Trung Quốc muốn ngăn phương Tây vào Biển Đông, Philippines kiên quyết giữ
‘Bắc Kinh muốn các nước phương Tây biến khỏi Biển Đông nhưng tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở Biển Đông như một bên cân bằng với Trung Quốc’, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hé lộ.
Đây là lần đầu tiên nhà ngoại giao cấp cao Philippines tiết lộ những bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Các phát ngôn xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines kêu gọi ASEAN “chống lại sự can thiệp từ bên ngoài”, ám chỉ Mỹ và các nước ngoài khu vực đang can dự vào tranh chấp Biển Đông và đàm phán COC.
“Tôi thề với quý vị những cường quốc phương Tây sẽ tiếp tục ở Biển Đông”, ông Locsin nhấn mạnh trước Quốc hội Philippines ngày 21-9. “Chúng tôi tin vào việc duy trì cán cân quyền lực, rằng quyền tự do của người dân Philippines phụ thuộc vào cân bằng quyền lực trên Biển Đông”, tờ Inquirer trích lời nhà ngoại giao hàng đầu Philippines.
Trung Quốc nhiều lần lập luận với các nước trong khu vực rằng Mỹ và các nước khác đang tạo ra bất ổn tại Đông Nam Á. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng này còn tuyên bố rằng các hoạt động quân sự của Mỹ là nguyên nhân khiến Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
“Yêu cầu của Trung Quốc là các nước phương Tây biến khỏi Biển Đông nhưng tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở Biển Đông với tư cách là một bên cân bằng”, ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh trước cơ quan lập pháp.
Hồi tuần trước, ông Locsin cho biết sẽ cố gắng hoàn tất lần đọc thứ hai dự thảo COC trước khi chuyển lại vai trò điều phối viên quan hệ Trung Quốc – ASEAN cho Myanmar. Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines sau đó thông báo quá trình đàm phán COC đã được nối lại và đang được đẩy nhanh để “lấy lại thời gian đã mất vì COVID-19”.
Giới học giả và một số quốc gia ASEAN đã kêu gọi COC cần có những điều khoản hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc pháp lý để tránh đi vào vết xe đổ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002.
Trong thời gian gần đây, Mỹ đã lên án Trung Quốc vì các hành vi “bắt nạt” và “cưỡng ép” nước khác trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi ASEAN đặt câu hỏi về “mức độ chân thành” của Bắc Kinh trong tiến trình đàm phán COC.
Derek Grossman, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức RAND (Mỹ), hôm 21-9 lưu ý về mối quan hệ đồng minh đang gặp trắc trở giữa Washington và Manila dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
“Mỹ có thể xoay xở mà không cần các căn cứ của Philippines nhưng việc triển khai sức mạnh ở Biển Đông sẽ khó khăn và kém nhanh chóng hơn”, ông Grossman nhận định.
BẢO DUY/TT