Đám cưới không chú rể 45 năm trước ở Can Lộc anh hùng
45 năm trước, một đám cưới không chú rể diễn ra nơi mảnh đất Can Lộc anh hùng. Đón dâu về, ra ngõ cất nón cho cô dâu theo tục lệ, cả nhà trai khóc, nhưng cô dâu vẫn cắn chặt bờ môi, tin tưởng một ngày kia chồng sẽ trở về.
“Đơn vị yêu cầu nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu, anh phải ra đi, mọi việc ở nhà cứ tiến hành theo công việc đã chuẩn bị. Em giữ sức khỏe, thông cảm cho anh”, đại tá Nguyễn Văn Dần (70 tuổi, ở thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh, nguyên đại đội trưởng đại đội 1, tiểu đoàn 7, trung đoàn 266, sư đoàn bộ binh 341) nhớ lại những lời nhắn viết vội.
Đám cưới không áo mới, chú rể cũng… đi mất
Một ngày cuối tháng Chạp năm 1974, cô dâu chú rể chở nhau ra thị trấn tất bật sắm sửa manh áo mới, đồ lễ cho hai bên nội ngoại. Cô dâu Nguyễn Thị Thường nhớ lúc ấy cả hai loay hoay tìm mãi chẳng có tấm vải nào mới để may bộ quần áo cưới, đành mua lấy 2 tút thuốc ra về.
Thương bà ấy nhiều lắm, nhưng mình phải cân nhắc. Nói về Đảng mình là đảng viên, nói về quân đội là sĩ quan, nói về đất nước là công dân. Trong điều kiện để thực hiện lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, mình phải biết đặt cái nào lên trước. Cái lớn, cái chung phải đặt lên trước, mình nghĩ nếu ngày ấy không đặt việc chung lên trước, có lẽ sau này mình đã khác đi rồi
Đại tá NGUYỄN VĂN DẦN
“Mua xong, ông nhà có hỏi: ‘Em có về nhà anh nữa không?’, tôi nói: ‘Không, anh về nhà đi, tối xuống em bàn chuyện ngày mai cưới’. Đã hẹn anh khoảng 7 – 8h tối xuống nhà nói chuyện, không ngờ anh nhận nhiệm vụ mới đột xuất. Lên đường đi chiến đấu, đường xe đi cách nhà tôi chỉ 150m nhưng không thể nào gặp được trước lúc đi”.
Nay bước sang tuổi 70, bà Thường, vợ đại tá Dần, vẫn nhớ như in ký ức về đám cưới không thể nào quên. Nhìn những vết sẹo ở đầu, ở chân chồng, bà Thường xoa xoa chúng rồi nhìn ông trìu mến.
Vị đại tá già chậm rãi kể chiều 25 tháng Chạp năm 1974 (tức ngày 5-2-1975 – PV), đang cùng cô em họ xuống thị trấn để đưa thuốc lá cho nhà vợ, vừa đến đoạn đường bưu điện ngoài quốc lộ 1 thì thấy mấy cánh tay vẫy vẫy trên chiếc xe chở quân đi vào Nam.
Hóa ra là anh em học cùng trường. Anh cán bộ gọi anh Dần lại bảo: “Không kịp nữa, giờ anh về mang balô ra đi luôn”.
“Lúc đó cũng cận tết rồi, nhưng nhiệm vụ đi là phải đi thôi. Chỉ kịp viết mấy dòng thư gửi lại. Nghĩ đến vợ, đến cha mẹ, anh em họ hàng hai bên, xưa nay đời người chỉ có một lần cưới xin mà dở dang. Suy nghĩ vấn vương nhưng vì cái chung, mình hi sinh cái riêng”, vị đại tá quả quyết.
Ông đi vào Nam, ở nhà mọi việc vẫn diễn ra như lời nhắn nhủ. Một đám cưới không chú rể, không có manh áo mới, cô dâu được rước về nhà trai.
Về đến ngõ có tục cất nón cho cô dâu, cả nhà ai nấy đều khóc, riêng cô dâu mắt ráo hoảnh, còn động viên lại mọi người: “Thôi nhiệm vụ anh cứ đi, mình cưới cứ cưới thôi. Có những đám cưới rước vợ về buổi chiều thì chồng đi ngay trong đêm, chiến tranh là vậy, con không sao cả”.
Cái chung đặt lên trước
Mất một ngày một đêm, đơn vị đến huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Nhưng trên chuyến xe giao nhận quân 45 năm về trước đó, một thủ trưởng là chính ủy trung đoàn đã chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện của anh đại đội trưởng bộ binh trẻ tuổi.
Sau khi nhận hồ sơ bàn giao quân xong, chính ủy trung đoàn báo cáo với Bộ tư lệnh sư đoàn “có trường hợp đồng chí Dần ở nhà đang tổ chức đám cưới nhưng sau khi nhận nhiệm vụ là lên đường ngay, giờ xin giải quyết cho đồng chí về nhà”.
“May mắn nữa là lúc ấy có sư đoàn phó (hồi đó gọi phó tư lệnh) là ông Vũ Cao ở Hà Nội được đơn vị cho về nhà ăn tết. Vừa được gặp là trung đoàn giới thiệu cho mình theo xe phó tư lệnh về luôn. Chiều 29 Tết xuất phát, sáng 30 Tết tôi về đến nhà”, đại tá Dần kể lại.
Trong 5 ngày phép ngắn ngủi, ông Dần động viên, chia sẻ cho vợ yên tâm. Hết thời gian nghỉ phép, ông tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ, vợ ông cũng quay trở ra Bắc hoàn thành công tác được giao.
“Để ý” nhau 3 năm (từ năm 1967-1969), hết cấp 2 bà Thường ra Bắc học thủy lợi rồi công tác ở Ninh Bình, ông Dần học tiếp cấp ba rồi lên đường đi nhập ngũ, làm nhiệm vụ ở tỉnh Bolikhamxay (Lào).
Đến năm 1971, ông về Việt Nam đi học Trường Quân chính Quân khu 4, sau đó học ở Trường Sĩ quan lục quân. Đến năm 1973, ông về sư đoàn 341.
Bẵng 2 năm không thư từ, không nói chuyện yêu đương, trong một lần đi chiến đấu bên Lào về, ông Dần qua nhà bố mẹ Thường hỏi em có thư từ về không? Lúc đó mới biết địa chỉ, hai người thư từ qua lại từ ngày ấy. Cho đến năm Thường 24 tuổi, ông Dần ngỏ ý: “Thôi ta về ta cưới”.
Vậy mà đến ngày cưới, ông phải gác việc riêng, vì nhiệm vụ chung mà ra trận.
Nhờ “cưới hụt” nên được về thăm vợ
Sau 5 ngày phép, đại đội trưởng đại đội 1 xách balô Nam tiến. Đại đội đi vào Tây Nguyên, qua Bình Long, Phước Long, ác liệt nhất phải kể đến trận chiến Xuân Lộc (trước thuộc Long Khánh, nay là Đồng Nai).
Đánh suốt 12 ngày đêm, trong đó sư đoàn có 4 ngày đối đầu trực tiếp với Quân lực Việt Nam cộng hòa. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc mở toang, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Tiếp đó đêm 26, rạng sáng 27-4, đơn vị của ông đánh tiếp vào khu vực Trảng Bom (Đồng Nai). Chỉ vọn vẹn 1 ngày, ta đã giải phóng được Trảng Bom, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh hướng Đông bắc Sài Gòn.
Đánh trận Xuân Lộc đơn vị biên chế vẫn đủ, nhưng khi vào đến Sài Gòn tổn thất khá lớn. Những người bị thương nặng được chuyển về tuyến sau, riêng ông Dần bị một mảnh pháo găm vào đùi, một mảnh ở sau gáy vẫn cố gắng vào đến Sài Gòn.
“Bị thương vẫn vô Sài Gòn, đầu quấn băng trắng vẫn vô Sài Gòn. Hồi đó có lẽ kháng thể tốt, 21 ngày tiến vào Sài Gòn chỉ mặc một bộ quần áo trên người, ở đâu có nước là tắm, khói bom đạn, mang vết thương nhưng không bị nhiễm trùng.
Mình bị thương về tuyến sau cũng được nhưng háo hức muốn vào Sài Gòn. Làm sao thực hiện được nhiệm vụ trên giao xuống là phải vào được Sài Gòn”, đại tá Nguyễn Văn Dần hồi tưởng.
Ký ức dội về, ông kể khoảng 14h ngày 30-4 đơn vị vượt sông Sài Gòn, tập kết tại Tân Cảng, sau đó tiến vào Dinh Độc Lập. Trước đó, quân đoàn 2 của ta đã giải phóng, chốt giữ được dinh Độc Lập, đơn vị chuyển sang làm nhiệm vụ chốt tại 63 đường Võ Tánh (cũ).
“Vào đến Sài Gòn, từng đoàn lính Việt Nam cộng hòa cởi bỏ hết tư trang, áo, mũ, súng vứt chất đống, rải trên trục đường 1 và xa lộ, mình trần đi ngược trở ra.
Khi vượt qua cầu Sài Gòn đi vào trung tâm thành phố, toàn bộ người dân Sài Gòn đổ ra đường, dân đông đến không đi được. Từ Tân Cảng vào Dinh Độc Lập khoảng 3-4 km mà đơn vị tôi mất 3 tiếng để vào”, đại tá Dần nhớ lại.
Từ ngày chồng về phép, bà Thường bặt tin ông. Rồi một đêm tháng 4-1975 bà mơ thấy ông Dần hi sinh trên chiến trường. Mọi người ở cơ quan động viên: “Mơ dữ là điềm lành, anh sẽ tai qua nạn khỏi”.
Mãi đến hơn một tháng sau ngày giải phóng 30-4, bà Thường mới nhận được một bức thư chồng gửi về. Thư chỉ vỏn vẹn một dòng: “Anh đang bận quân quản, chưa về được”!
Sau lần “cưới hụt”, cũng chẳng có lấy bức ảnh cưới, ông Dần lấy ảnh của bà đương thời con gái ghép với ảnh của ông ngày trẻ, thế là có bức ảnh cưới.
“Sau này ông nhà tôi nói với vợ do cưới hụt mới về được, chứ đánh ở trong ác liệt lắm”, bà Nguyễn Thị Thường – vợ đại tá Dần bộc bạch.
Đằng đẵng nhiều năm trời chồng đi chiến đấu, từ giải phóng Sài Gòn, rồi đánh Pôn-pốt ở Tây Nam, một tay bà chăm bẵm các con lớn khôn. Hai đứa con đầu không biết mặt cha, đẻ đứa thứ ba, anh mới về.
45 năm ngày đất nước thống nhất là bấy nhiêu năm ông bà trọn vẹn nghĩa tình.
“Thương bà ấy nhiều lắm, nhưng mình phải cân nhắc. Nói về Đảng là một đảng viên, nói về quân đội là sĩ quan, nói về đất nước là công dân. Trong điều kiện để thực hiện lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, mình phải biết đặt cái nào lên trước.
Cái lớn, cái chung phải đặt lên trước, mình nghĩ nếu ngày ấy không đặt việc chung lên trước, có lẽ sau này mình sẽ khác đi rồi”, đại tá Nguyễn Văn Dần bộc bạch.
Sau giải phóng, đơn vị của đại tá Dần làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn. Đến năm 1978, ông lên đường làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam, đánh Pôn-Pốt suốt 3 năm trời ở Campuchia.
Đến 1981, ông hoàn thành nhiệm vụ trở về. Năm 1991, ông làm việc tại Bộ Tham mưu Quân khu 4. Hai năm làm phó phòng tác chiến Quân khu 4. Đến năm 1996, ông chuyển sang làm phó phòng, sau đó là trưởng phòng quân lực Quân khu 4.
Năm 2008, ông nghỉ hưu với hàm đại tá.
HÀ THANH/TT