+
Aa
-
like
comment

Đắk Lắk: Hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa vì… hết xăng!

24/05/2020 16:22

Nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đóng cửa vì cho rằng đã hết xăng dầu.

Nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa.

Chiều 24/5, ông Lê Văn Quý, chủ doanh nghiệp tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), cho biết rất nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xã Ea Tóh và Đliê Ya của doanh nghiệp này (huyện Krông Năng) đã đóng cửa do hết xăng dầu.

Theo ông Quý, bắt đầu từ sáng 23/5 đến chiều nay, đã có nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Krông Năng phải đóng cửa do không nhập được xăng dầu để bán. Riêng doanh nghiệp của ông có tổng cộng 3 cửa hàng xăng dầu nằm ở xã Ea Tóh, xã Đliê Ya và thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng). Đến nay, 2 cửa hàng nằm trên địa bàn 2 xã đã đóng cửa, riêng cửa hàng ở thị trấn cũng đang cầm cự. “Dù mua vào cao hơn bán ra nhưng mấy ngày qua tôi đã nhiều lần liên hệ với thương nhân phân phối để mua hàng nhưng họ báo hết hàng” – ông Quý nói.

Theo các chủ doanh nghiệp thì việc nguyên nhân đóng cửa là do hết xăng dầu.

Tượng tự, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ-Sản xuất Thắng Thành cho biết doanh nghiệp có 5 cửa hàng xăng dầu năm trên địa bàn 2 huyện Krông Năng và Krông Búk. Đến chiều nay, cả 5 cửa hàng xăng dầu đều đóng cửa do hết xăng dầu.

Trước đó, PV đã phản ánh, hàng chục doanh nhiệp bán lẻ xăng dầu trên đia bàn tỉnh Đắk Lắk đã làm đơn khiến nghị phản ánh thời gian gần đây các thương nhân phân phối đã cắt giảm tối đa hoa hồng, thậm chí giá xăng dầu mua vào cao hơn giá bán ra hàng trăm đồng/lít, khiến doanh nghiệp bán lẻ rơi vào cảnh thua lỗ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt xăng dầu, nguy cơ đóng cửa do các thương nhân phân phối không nhập hàng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng chiết khấu bị cắt giảm nên càng bán càng lỗ.

Cũng theo kiến nghị, Nghị định 83 của Chính phủ quy định mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng với 1 thương nhân phân phối. Trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp ghi rõ đơn vị cung ứng xăng dầu nên khi muốn thay đổi đầu mối cung ứng là phải làm lại các thủ tục như thanh lý hợp đồng, làm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… rất mất thời gian, tiền bạc. Đây là điều kiện để các thương nhân phân phối ép chiết khấu.

NLD

Bài mới
Đọc nhiều