Đại úy biên phòng kể lại giờ phút gặp nạn khi đi cứu hộ
Vừa dựng xe máy, đi bộ 15 m, đại úy Lê Văn Dùy nghe “ầm” bên tai. Anh cùng đoàn cán bộ xã Hướng Việt đã nằm dưới đống đất đá lẫn cành cây, chập tối 17/10.
Bảy ngày sau gặp nạn khi đi cứu hộ người dân mất tích ở xã Hướng Việt (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị), đại uý biên phòng Lê Văn Dùy trải qua cuộc phẫu thuật ở Bệnh viện Trung ương Huế, cách nơi gặp nạn gần 200 km. Một ngày trước, anh cùng chủ tịch xã Hồ Văn Sinh được trực thăng đưa về Huế chữa trị. Sức khoẻ anh ổn định, hiện tỉnh táo.
Đôi chân quấn đầy bông băng, sưng tấy, vết thương nhỏ đã kết vảy, anh Dùy được chuyển vào phòng hậu phẫu. Nhiều năm đóng quân ở biên giới Việt – Lào, trải qua bao mùa mưa bão đi cứu hộ, anh chưa thấy năm nào thiên tai khủng khiếp như năm nay. Anh mất cả đồng đội và suýt chút nữa không giữ được mạng mình.
Đại uý Dùy nhớ lại, 15h30 chiều 17/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã Hướng Việt nhận tin người dân báo 7 người trong một nhà mất tích khi đi tuốt lúa trên rẫy. “Phải đi ngay”, đoàn cứu hộ gồm Chủ tịch xã Hồ Văn Sinh; Phó bí thư thường trực Đảng uỷ xã, đại uý Lê Văn Dùy; Trưởng công an xã, đại uý Trương Văn Thắng cùng bốn cán bộ khác lập tức lên đường.
Gần 18h đoàn đến nơi, dựng xe máy bên đường, ý định đi bộ lên rẫy tìm người. Đoạn đường đèo dốc, bên phải là vực sâu, bên trái là đồi núi. Họ không biết những quả núi đất đã ngậm no nước mưa suốt mười ngày, giống như quả bom treo lơ lửng trên đầu.
Đoàn người mới đi được 15 m, “Ầm”, đại uý biên phòng chỉ kịp nghe bên tai một tiếng. Phản xạ của người lính vùng biên mách bảo anh có sạt lở đất. Trong tích tắc, Dùy chạy về phía trước, nhóm còn lại dạt về phía sau. Nhưng chân người chạy không nhanh bằng núi lở. Anh bị đất đá xô về phía rào chắn ven đường, trên đầu vẫn đội chiếc mũ bảo hiểm.
Ba phút sau, anh tỉnh dậy vì không thể thở. Tay cào cào đống đất đá, Dùy cố ngoi lên, nhận ra mình còn sống. Từng cơn mưa vẫn đổ xuống liên hồi, trời bắt đầu tối. Anh bới cành cây, đất đá đang phủ trên đầu để ngoi ra. “Trong thâm tâm, mình biết chỉ cần chậm thêm vài phút thôi thì có thể sẽ chết, sẽ hứng thêm một đợt sạt lở tiếp”, kinh nghiệm một lần nữa mách bảo anh, phải cố thoát thật nhanh.
Một tay kéo theo chiếc chân đã gãy, anh Dùy bò ra được khoảng 5 m, rồi kêu cứu. Một số người thoát nạn cùng người dân chạy đến. Đoàn người moi đất đá, cứu được thêm chủ tịch xã Hồ Văn Sinh bị đất đá vùi lấp, thương nặng. Nơi sạt lở ở cách nhà dân gần 2 km. Nhóm người băng rừng, đưa hai cán bộ bị thương nặng về trạm xá xã Hướng Việt sơ cứu. Đại uý Trương Văn Thắng bị gãy xương chậu, mất máu quá nhiều, qua đời tối cùng ngày.
Những trận lở đất đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã cắt đứt đường bộ duy nhất dẫn vào xã vùng cao này. Anh Dùy và anh Sinh, hai người bị thương nặng, nhưng không có cách nào đưa đến bệnh viện. Anh được người dân, đồng đội dùng cáng, cuốc bộ gần 20 km đưa về Đồn biên phòng Hướng Lập chữa trị.
Ngay lập tức, Bộ đội biên phòng Hướng Lập, bằng kênh liên lạc riêng, đã kết nối với bên ngoài để được hướng dẫn sơ cứu, tránh biến chứng nặng. Ngày ba lần, ở cách 120 km, Đại uý Trần Việt Anh, bác sĩ quân y Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, nghe miêu tả tình trạng chấn thương của đồng đội và trợ giúp chữa trị.
Đây không phải lần đầu các bác sỹ quân y khám bệnh từ xa, song điều kiện thuốc men và cơ sở vật chất của khu vực biên giới, chỉ dừng lại ở mức cơ bản, kháng sinh, kháng viêm và giảm đau. Các vết thương phần mềm của anh Hồ Văn Sinh có xu hướng nặng lên, bắt đầu hoại tử.
Ngày 19/10, đoàn công tác của công an huyện Hướng Hoá, sau tám tiếng cắt rừng vượt suối, đã đưa được thi thể đại uý Trương Văn Thắng, đưa ra khỏi xã Hướng Việt bị cô lập. Ngày 23/10, trực thăng của Bộ Quốc phòng thả hàng tiếp tế cho người dân Hướng Việt, đồng thời đưa anh Sinh, anh Dùy ra Huế chữa trị.
Chiều cùng ngày, đại uý Trần Việt Anh nhận lệnh di chuyển từ Quảng Trị ra Huế trực tiếp chăm sóc cho đồng đội. Đại uý Việt Anh cho biết, anh Dùy bị gãy 1/3 cẳng chân trái và bị dập 3 ngón bàn chân trái, được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế nẹp xương và vít. Anh Sinh bị đa chấn thương ở cả bàn tay và chân, bánh chè, và bị hoại tử phần mềm nhiều vị trí.
Ngồi ở phòng chờ chồng được chuyển giường bệnh, vợ anh Dùy, chị Hoàng Thị Bông nhấp nhổm không yên, đợi nghe tiếng loa gọi tên thân nhân vào thăm. Hơn mười năm làm vợ quân nhân, chị dần quen với việc chồng vắng nhà nhiều ngày, nhiều tuần không nói rõ ngày về, nhưng lần này lại khác. Chị nghe tin tức về chồng, không phải từ miệng anh nói, mà qua báo chí, chị Bông như muốn lả đi. Anh đi cứu hộ, không nói một lời sợ vợ lo lắng. Đọc tin đoàn cán bộ xã Hướng Việt gặp nạn, chị gọi ngay cho chồng, nhưng không liên lạc được.
Hôm nay thấy chồng toàn mạng trước mặt, Bông không đủ bình tĩnh để nhớ lại, bảy ngày bặt tin đã trôi qua như thế nào. Đẩy giường bệnh của anh về khu hồi sức, chị liên lục cúi xuống khẽ hỏi câu gì đó. Dùy chỉ gật và lắc, tay bám chặt ga giường, không kêu đau.
Nhận tin anh được đưa ra ngoài bằng trực thăng, chị cuống cuồng từ TP Đông Hà (Quảng Trị) về Huế, đến nơi lúc nửa đêm 23/10, chỉ kịp mang theo cái ba lô quần áo. Để lại chồng bên giường bệnh cùng những tiếng thở nhè nhẹ sau ca phẫu thuật, chị Bông tất tả chạy ba tầng lầu đi mua cơm. Trong suất cơm mua vội, có cả rau muống, thịt bò. Bác gái lớn tuổi đi chăm người nhà chạy lại day vai Bông, hốt hoảng “Hắn mổ xong mà mi cho ăn thứ nầy? Vừa đau vừa sẹo”. Bông ngớ ra, nói như choàng tỉnh “Con rối quá o ơi, giờ không nghĩ được việc chi nữa”.
Nhiều người nhà bệnh nhân, khi biết anh Duỳ là bộ đội biên phòng bị thương khi đi cứu nạn, đã đến ngó vào khẽ hỏi thăm, động viên. “Chú ni coi như được tái sinh”, có người nói.
Trước cửa phòng bệnh, có người hỏi “Sao không để tạnh mưa hãy đi tìm dân?” Đại úy biên phòng trong cơn đau vì hết thuốc tê sau phẫu thuật, nói rằng “Cái ni là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Điều chúng tôi không lường được, là sạt lở đất xảy ra quá bất ngờ, không kịp trở tay”.
Gần một tháng qua, 6 tỉnh duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, gây hai đợt mưa kéo dài. Lũ lớn, đặc biệt lớn khiến gần 320.000 nhà dân bị ngập, có nơi ngập sâu 2 – 3 m. Các tỉnh di dời 79.500 hộ với 280.000 dân đến nơi an toàn. Mưa lũ làm 119 người chết, 21 người mất tích, 37.500 ngôi nhà hư hỏng. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt, bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ.
Từ nay đến 26/10, miền Trung có khả năng đối mặt với bão Saudel đang suy yếu nhưng vẫn gây mưa với tổng lưu lượng 50-150 mm/đợt; đồng thời đối mặt với một cơn bão khác đang vào biển Đông.
Hoàng Phương – Thanh Lam/VNE