+
Aa
-
like
comment

Đại tướng Tô Lâm: Không thể đòi trụ sở đàng hoàng mới làm việc

Tùng Lâm - 12/11/2020 13:09

Dù khó khăn về trụ sở cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Công an cho rằng “đòi hỏi phải có trụ sở đàng hoàng mới xuống làm việc thì sai với đường lối”.

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo cơ quan soạn thảo dự luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách.

Tại tổ đại biểu Bắc Ninh – Vĩnh Phúc – Kiên Giang, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách) nhận định vấn đề này tạo được sự quan tâm lớn, nhất là trong bối cảnh an ninh trật tự như hiện nay.

Không thể giảm ngân sách

“Nhiều lãnh đạo đi xe con, ôtô có lẽ không cảm nhận được tình hình an ninh trật tự. Nhưng với người dân hàng ngày đi bộ, xe đạp, đi xe công cộng thì lo lắng lắm. Ngay giữa trung tâm TP Hà Nội, nhiều khi đi đúng đường còn bị người đi ngược đường chửi ngay”, ông Dũng phản ánh.

Ủng hộ sự cần thiết ban hành luật, ông Dũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Có tăng biên chế không? Tổ chức bộ máy có cồng kềnh hơn không? Kinh phí từ ngân sách Nhà nước có phải chi thêm không? Phải chăng nhờ luật này sẽ phát huy được toàn dân tham gia bảo vệ an ninh cơ sở với cơ chế tự quản, tự nguyện, cơ chế thu hút mọi người dân tham gia?”.

Góp ý thêm, ông Dũng đánh giá báo cáo tác động của dự án luật dài 50 trang nhưng cung cấp thông tin ít và chưa đầy đủ, nặng về thuyết trình chung chung mà không đi vào cụ thể.

Ví dụ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tham gia BHYT, BHXH thì số tiền nhân ra là bao nhiêu? Hay với khoảng 80% lực lượng cơ sở hiện nay chưa có trụ sở làm việc, nếu xây trụ sở thì hết bao nhiêu tiền? Lực lượng này tham gia trấn áp tội phạm ở cơ sở có cần dùng dùi cui điện, gậy, súng bắn đạn cao su hay các trang bị khác nữa không? Nếu có thì hết bao nhiêu tiền?…

Đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị đánh giá, thống kê lại tất cả vấn đề này.

Ban soạn thảo đánh giá lực lượng này ra đời có thể giảm ngân sách, song ông Dũng nói: “Tôi cảm giác giảm ngân sách là viết cho vui và an lòng đại biểu thôi, chứ không thể giảm được. Không cần chuyên môn về tài chính ngân sách mà chỉ cần ngồi tính cũng thấy phải tăng ngân sách”.

Từ đó, ông cho rằng đánh giá tác động của dự án luật chưa được chỉn chu để trình ra Quốc hội một cách chính xác, khách quan nhất.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (Bí thư huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng ủng hộ sự cần thiết ban hành luật này.

Ông cho biết từ đầu năm đến nay công an chính quy mới được tăng cường về xã, còn trước kia, lực lượng công an bán chính quy đảm bảo an ninh trật tự tại xã. Công an bán chuyên trách gần địa bàn, thông hiểu cơ sở, nhưng cũng có nhược điểm là quan hệ họ hàng, thân tộc nên thường bỏ qua vi phạm của người quen, người nhà.

Ở khía cạnh khác, ông Thanh nhìn nhận đây cũng là nguồn để xây dựng đội ngũ cán bộ xã, hiện nay ở Sóc Sơn có nhiều bí thư, chủ tịch xã từ công an bán chuyên trách phát triển lên.

“Bây giờ động viên người làm cán bộ xã rất khó, đặc biệt là khu vực ngoại thành, bởi ngay cả mức lương của công nhân các nhà máy ở khu công nghiệp cũng cao hơn nhiều lương cán bộ xã” , ông Thanh nói.

Vị đại biểu cũng lo “nếu tình hình này xảy ra 5-7 năm nữa thì chỉ những người không kiếm được việc mới ở nhà làm cán bộ xã”. Ông ủng hộ ban hành luật này nhằm tạo hành lang pháp lý để các lực lượng hoạt động tốt hơn.

Không sinh ra lực lượng mới

Là người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải thích rõ hơn băn khoăn mà các đại biểu đặt ra.

Ông nêu thực tế các lực lượng này đang hoạt động và tồn tại ở địa phương, không phải có luật này rồi sinh ra lực lượng mới. Tuy nhiên, các lực lượng được điều chỉnh trong các văn bản khác nhau, có cái chưa thành luật nên giờ phải khái quát lại.

“Đây là đòi hỏi thực tiễn chứ không phải ra luật để thêm lực lượng mới. Những chi phí có thể phát sinh thì vẫn lo lắng, nhưng không ảnh hưởng việc luật này ra đời”, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bo truong Cong an To Lam anh 2
Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định không sinh ra lực lượng mới khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra đời. Ảnh: H. Vũ.

Bộ trưởng Công an nhấn mạnh lực lượng này rất quan trọng nhằm huy động sức mạnh nhân dân, phát huy nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

“Đây là đặc trưng rất lớn của Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam mà nhiều nước không có. Khi được giới thiệu, họ rất lạ và tâm đắc, nhiều nước đã sang học tập”, Bộ trưởng Công an chia sẻ.

Khẳng định luật này ra đời không ảnh hưởng hoạt động của các mô hình, phong trào khác, đại tướng Tô Lâm đánh giá luật sẽ là chỗ dựa để các lực lượng phối hợp, lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ.

Chia sẻ khó khăn, lo lắng về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, Bộ trưởng Công an rất vui mừng khi nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh đã chủ động dùng ngân sách của tỉnh để đầu tư, vì các địa phương xác định việc ổn định an ninh trật tự ổn định xã hội là tiền đề cho phát triển, không thể để mất trật tự.

Dù cơ sở vật chất là rất cần thiết, các cơ quan cũng rất quan tâm, Bộ trưởng Công an cho rằng nếu quy định chặt trong luật sẽ là một điểm cản trở. Với những nơi có điều kiện có thể trích ngân sách làm, nhưng với những nơi khó khăn thì rất khó, sẽ không thể triển khai được các lực lượng này.

Ông cũng nhấn mạnh phương châm của công an là dựa vào nhân dân, thậm chí còn ăn, ở nhờ nhà dân.

“Khi chưa có chính quyền, chúng ta còn làm được việc đó. Giờ chúng ta có chính quyền rồi mà đòi hỏi phải có nhà ở, có trụ sở đàng hoàng mới xuống làm việc thì sai với đường lối chung”, ông Lâm nói.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Bùi Đặng Dũng về việc “lãnh đạo đi ôtô không biết nỗi khổ, tình hình ở các khu phố”, Bộ trưởng Công an cho rằng đánh giá như vậy không đúng, không phù hợp. Ông khẳng định “rất hiểu chuyện ở cơ sở”.

Bài mới
Đọc nhiều