+
Aa
-
like
comment

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nói về việc dùng trực thăng chữa cháy

16/08/2019 14:53

Sáng 16/8, cho ý kiến về công tác phòng cháy, chữa cháy, một số thành viên trong Thường vụ Quốc hội đề xuất huy động trực thăng khi cần thiết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói cần tính đến phương án dùng trực thăng để chữa cháy khi hiện nay có nhiều nhà cao tầng trên 75 m, nếu xảy ra hỏa hoạn thì xe thang không thể vươn tới được.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nêu thực trạng, nhiều khu dân cư nội đô mật độ người rất đông, nhà cải tạo cơi nới, dây điện chằng chịt, ngõ ngách nhỏ khiến xe chữa cháy khó di chuyển khi cần thiết.

“Khi xảy ra cháy thì sẽ xử lý như thế nào? Nếu dùng trực thăng, từ trên cao phun nước chữa cháy sẽ hiệu quả hơn”, ông Chiến nói.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, trong các trường hợp cần trực thăng tham gia chữa cháy, quân đội sẵn sàng huy động ngay. Tuy nhiên, theo ông, muốn trực thăng chữa cháy hiệu quả thì phải dùng hoá chất chứ không thể bằng cách múc nước dội xuống.

Nguyên là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Đỗ Bá Tỵ kể năm 2010, Bộ Quốc phòng đã huy động trực thăng tham gia chữa cháy ở núi Phanxipan (Lào Cai).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Trực thăng xuống hồ ở Sapa múc nước, lên đến nơi nếu bay thấp thì nguy hiểm nên buộc phải bay cao, nhưng khi buông gầu nước xuống chưa đến một nửa khoảng cách thì nước đã bốc hơi gần hết”, ông nói.

Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, giải pháp để phòng cháy, chữa cháy trước tiên phải ở chính các nhà cao tầng (thiết kế, trang thiết bị bên trong tòa nhà…), sau đó mới tính đến phương tiện bên ngoài vì  “không xe thang nào có thể cao đến hết các tầng của những tòa cao ốc được”.

Trước đó đầu tháng 7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến kiểm tra hiện trường vụ cháy rừng ở xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Tại đây, ông cho hay chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng liên tiếp từ 3-5 chiếc dội nước liên tục để chữa cháy cho một điểm. Trong khi đó, tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh (không riêng Hà Tĩnh có cháy rừng), việc huy động trực thăng là khó khăn.

Hơn nữa, lúc này trên địa bàn Hà Tĩnh gió phơn Tây Nam (gió sau khi vượt qua núi trở nên khô và nóng) thổi mạnh, ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay. Vì vậy Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng công ty bay Bộ Quốc Phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phiên làm việc sáng 16/8 để thảo luận báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018”.

Trong giai đoạn này, lực lượng chức năng toàn quốc đã thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy hơn 58.500 dự án, công trình; nghiệm thu hơn 29.000 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 2.700 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu.

Đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; khoảng 34.000 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chưa thực hiện quy định (chiếm 40%).

Hoàng Thùy/VnExpress

Bài mới
Đọc nhiều