+
Aa
-
like
comment

Đại tá Đinh Văn Nơi lên tiếng vụ mỏ cát được đấu giá cao gấp 390 lần giá khởi điểm

15/04/2021 10:28

Đại tá Đinh Văn Nơi cho rằng mỏ cát được đấu giá quyền khai thác từ 7,2 tỉ lên gần 2.812 tỉ đồng là bất thường, không loại trừ khả năng doanh nghiệp đưa ra giá cao để trúng thầu khai thác mỏ cát nhằm mục đích khác….

Đó là khẳng định của đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, sau khi mỏ cát ở H.Chợ Mới (An Giang) có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 được một doanh nghiệp đấu giá quyền khai thác từ 7,2 tỉ đồng lên gần 2.812 tỉ đồng khiến nhiều người bị “sốc”, kể cả giới kinh doanh cát.

Như đã thông tin, vừa qua trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp An Giang tổ chức đấu giá công khai khoáng sản cát sông đối với khu mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân (H.Chợ Mới) có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 và khu mỏ cát trên sông Hậu thuộc 2 xã Khánh Hòa (H.Châu Phú) và Phú Hiệp (H.Phú Tân) với trữ lượng gần 1,45 triệu m3 cát. Hai mỏ cát này ngưng khai thác nhiều năm qua, nay đấu giá để khai thác lại.

Đối với mỏ cát trên sông Hậu, giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng, đơn vị trúng quyền khai thác là Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (An Giang) trúng đấu giá hơn 272,8 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm ban đầu 62 lần, tương ứng 188.000 đồng/m3 cát.

Còn mỏ cát ở xã Bình Phước Xuân giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng nhưng Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) trúng đấu giá gần 2.812 tỉ đồng, cao gấp 390 lần so với giá khởi điểm, tương ứng hơn 1,1 triệu đồng/m3 cát.

Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT An Giang, cho biết loại cát tại mỏ Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME trúng đấu giá là cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường. Căn cứ giá trúng thầu, quyết định cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát trên chỉ được phê duyệt sau khi công ty nộp số tiền hơn 140 tỉ đồng của năm đầu tiên. Trong 4 năm tiếp theo, đơn vị này phải nộp hơn 667,8 tỉ đồng/năm vào ngân sách tỉnh An Giang. Theo quy định, đơn vị trúng thầu chỉ được khai thác 200.000 m3 cát/năm nên khai thác tối đa trong 12 năm. “Việc đấu giá mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu từng được tổ chức trước đây. Tuy nhiên, giá trúng thầu cao đột biến hơn 2.800 tỉ đồng đối với mỏ cát thuộc xã Bình Phước Xuân thì đây là lần đầu tiên mới có”, ông Trí nói.

Theo các doanh nghiệp chuyên khai thác cát tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng…, thực tế không đơn vị nào dám mua 1 m3 cát với giá hơn 1,1 triệu đồng. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh cát tại Sóc Trăng đưa ra “kịch bản” nếu công ty ở TP.HCM bỏ gói thầu, doanh nghiệp ra giá thấp hơn kế tiếp sẽ trúng thầu. “Cần phải xem doanh nghiệp ra giá thấp hơn tiếp theo có quan hệ gì với đơn vị vừa trúng thầu hay không. Ví dụ, tôi ra giá cao chót vót để trúng thầu rồi bỏ, anh ra giá thấp tiếp theo nhưng hợp lý sẽ được đôn lên. Khi đó, mọi người sẽ đặt vấn đề về quan hệ giữa tôi và anh”, chủ doanh nghiệp này phân tích.

Cùng quan điểm, đại tá Đinh Văn Nơi nói rằng 1 m3 cát trị giá hơn 1,1 triệu đồng là điều bất thường. Do đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp đưa ra giá cao để trúng thầu khai thác mỏ cát nhằm mục đích khác. “Có khả năng trúng thầu với số tiền khủng khiếp như vậy để làm thủ tục gì đó chứ làm sao mua nổi với giá này. Doanh nghiệp có thể bỏ cái này (mất tiền ký quỹ – PV) nhưng được cái kia. Công an đang tìm hiểu”, đại tá Nơi nói và khẳng định tất cả mỏ cát tại An Giang đều có gắn thiết bị định vị nên đơn vị nào khai thác vượt phạm vi của mỏ cát là công an sẽ đến điều tra ngay. “Ở An Giang bây giờ muốn khai thác cát gian lận là công an tới liền. Công an tỉnh đang xây dựng kế hoạch, muốn làm bậy bạ là không được đâu”, ông Nơi nói.

Hạnh Nhân 

Bài mới
Đọc nhiều