Đại tá Ấn Độ tiết lộ binh pháp huấn luyện đội quân tinh nhuệ tại vùng “dầu sôi” với TQ
Indian Express dẫn lời Đại tá Ấn Độ về cách huấn luyện binh lính của Ấn Độ sau cuộc đụng độ nghiêm trọng ở biên giới với Trung Quốc (15/6) tại Thung lũng Galwan.
Cuộc đụng độ nghiêm trọng ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan hôm 15/6 – khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng – đã thu hút sự chú ý của thế giới về cuộc chiến đấu vùng cao cũng như những thách thức mà binh lính phải đối mặt trong loại hình chiến đấu này.
Thách thức ở vùng Thung lũng Galwan
Tờ Indian Express phân tích, chiến đấu tầm cao phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và địa hình. Tuy nhiên yếu tố tiên quyết vẫn nằm ở công tác hậu cần và việc huấn luyện binh sĩ. Sự khắc nghiệt của địa hình đòi hỏi quá trình đào tạo chuyên nghiệp và các binh lính cần được trang bị về cả tinh thần cũng như làm quen được với khí hậu.
Trong chiến đấu vùng cao, binh lính phải tận dụng buổi đêm để tiếp cận và nhanh chóng đánh úp, chế ngự đối phương trước khi trời hửng sáng. Để làm được điều này, quân đội phải có đủ thể lực và chiến thuật.
Cựu Đại tá Kargil, Sonam Wangchuk nói “Quân đội địa phương ở Kargil sở hữu kĩ thuật leo núi tuyệt vời. Nhưng vẫn còn cần phải được huấn luyện chuyên nghiệp, cần thông thạo địa hình và có thời gian thích nghi với khí hậu.”
Dự trữ là bài toán quan trọng mà khó
Nguồn cung cấp oxy giảm mạnh, việc làm quen với khí hậu là điều vô cùng quan trọng.
Tiếp theo, khả năng chịu tải của cá nhân mỗi binh lính cũng giảm đáng kể. Di chuyển trên núi vô cùng chậm chạp và việc huy động chiếm rất nhiều thời gian. Bình thường, quân đội chuyên nghiệp có thể mang vác đồ dùng cần thiết (khoảng 30-35kg gồm cả vũ khí, đạn dược, thiết bị liên lạc,…) để sử dụng trong khoảng 48-72 tiếng. Tuy nhiên trong địa hình cao, điều này cực khó và chính vì thế đồ dự trữ phải luôn sẵn sàng.
Chính vì thế, những vị trí chiến thuật – nơi binh lính có thể xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi phòng thủ,.. – cần được xác định rõ.
Bên cạnh đó, quân lính còn đối mặt với các thách thức về vũ khí và phương tiện di chuyển.
Vũ khí ở cao cần được bảo trì ít nhất mỗi tuần một lần để đảm bảo hoạt động tốt. Đồng thời xe cộ cũng sẽ không vận hành được nếu bị kẹt nhiên liệu. Sử dụng con la để di chuyển cũng là vấn đề gây thách thức cho công tác dữ trữ. Tất cả những điều có thể phát sinh này cần phải được chuẩn bị từ trước.
Để phục vụ cho việc liên lạc, binh lính cần phải mang theo nhiều pin dự phòng bởi độ cao lớn tiêu hao rất nhiều pin. Pin bình thường chạy được 24 tiếng, ở vùng cao chỉ chạy được 1-2 tiếng.
Ấn Độ đã chuẩn bị gì?
Indian Express nhận xét Ấn Độ được coi là trung tâm huấn luyện chiến đấu vùng cao bởi hầu hết miền Bắc và Đông Bắc của Ấn Độ là vùng núi.
Đại tá Sonam cho biết: “Cần nắm bắt được tư duy của đối phương. Nhìn nhận toàn diện tình hình, đội quân cần nhìn ra đường tiếp cận dễ nhất. Đặc biệt khi địa hình có những vách đá dựng đứng, những vị trí càng khó tiếp cận càng dễ lơ là cảnh giác. Những vị trí này càng cần được sử dụng hiệu quả.”
Ông cũng nói thêm về cách quân Ấn Độ được huấn luyện.
Trước tiên, các binh lính được huấn luyện kĩ thuật leo núi chuyên nghiệp.
“Đầu tiên, binh lính được huấn luyện cơ bản đến nâng cao kĩ năng leo núi để thích nghi với địa hình hiểm trở. Binh lính của đơn vị sẽ được tham gia khóa huấn luyện kéo dài hàng tháng. Những người huấn luyện giỏi nhất sẽ được điều đến mỗi đơn vị. Sau đó tới quá trình làm quen khí hậu. Hầu như tất cả đơn vị đều có những người huấn luyện bảo đảm binh lính được trang bị tốt nhất và có thể đối phó được với mọi tình huống bất ngờ,” Đại tá Sonam nói với Indian Express.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận, lực lượng biên phòng Trung-Ấn ngày 22/6 đã tổ chức đối thoại cấp tướng lần thứ 2 ở khu vực biên giới. Theo đó, hai nước đã trao đổi thẳng thắn về kiểm soát căng thẳng ở biên giới trên nền tảng nhận thức chung đạt được từ cuộc đối thoại trước đó. Song phương đồng ý thực thi các biện pháp cần thiết để thúc đẩy hòa dịu tình hình, đồng thời duy trì trao đổi, cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh ở biên giới hai nước.
Sau đối thoại, theo nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ (23/6), các chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc thống nhất rút binh lính khỏi khu vực biên giới đang tranh chấp căng thẳng.
Ngọc Minh/TQ