+
Aa
-
like
comment

‘Mạng xã hội nước ngoài phải cung cấp danh tính người dùng’

08/11/2019 12:26

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, các nền tảng mạng xã hội nước ngoài vào Việt Nam sẽ được yêu cầu cung cấp danh tính người dùng khi cần thiết.

Chất vấn Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 8/11, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng tin giả, xấu, độc phát tán tràn lan trên mạng xã hội. “Nhiều trang mạng dù nội dung xấu, độc nhưng lượng độc giả lớn, lây lan như dịch bệnh, lan toả rất nhanh”, đại biểu Lê Công Nhường nêu vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin & Truyền thông đang phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tìm cách xác định danh tính các tài khoản mạng xã hội. Theo Luật An ninh mạng, Việt Nam sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội nước ngoài phải cung cấp danh tính tài khoản người dùng khi cơ quan điều tra yêu cầu. Việc này nhằm cảnh báo người dùng phải thận trọng trước khi phát tán tin giả, xấu, độc. “Mọi người đừng nghĩ rằng dùng mạng xã hội thì không ai biết danh tính”, ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng nói, nhiều quốc gia có những quy định xử lý tin rác, giả nghiêm khắc hơn Việt Nam. Ông lấy ví dụ Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD và phạt tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng phải chịu hình phạt tương tự. Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này.

“Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho rằng, các bộ ngành, địa phương nên “đầu tư công nghệ quan sát trên không gian mạng nhiều hơn, chứ không chỉ trong cuộc sống thực”. Hiện Bộ Thông tin & Truyền thông có Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, là công cụ đo lường các thông tin giả, xấu, độc và chia sẻ dữ liệu cho các tỉnh.

“Chúng ta có thể dùng biện pháp kỹ thuật để nhận ra thông tin xấu, độc và loại bỏ”, ông Hùng nói. Trước thực tế nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam từ chối xây dựng “bộ lọc kỹ thuật”, vì cho rằng người phát thông tin phải chịu trách nhiệm, còn các nền tảng mạng xã hội chỉ là siêu thị thông tin”, ông Hùng nhấn mạnh “mạng xã hội nước ngoài phải nhập gia tùy tục theo pháp luật Việt Nam”.

Nhiều đại biểu nêu chất vấn về tình trạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ Thông tin & Truyền thông đã xây dựng lực lượng để giải quyết các trang mạng mạo danh, đưa thông tin gây hoang mang dư luận. “Hai tháng qua, chúng tôi làm rất mạnh, gỡ 207 trang mạo danh, trong đó có 46 trang liên quan đến tên của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, ông Hùng cho biết.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng băn khoăn, không riêng lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn nhiều cá nhân, doanh nghiệp, người nổi tiếng cũng bị mạo danh trên mạng. Để khắc phục tình trạng này, ông Hùng nói, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ xây dựng một trung tâm tiếp nhận thông tin giả, xấu, độc để làm đầu mối xử lý.

“Đúng là bây giờ có chuyện cá nhân bị giả mạo không biết kêu ai, phản ánh đến các nền tảng xã hội cũng không phải dễ dàng. Sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị một số báo có số lượng độc giả lớn có chuyên mục tuyên truyền về việc này”, ông Hùng trả lời đại biểu.

Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết thêm, Sau khi Luật An ninh mạng ra đời, những yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc và chống phá Nhà nước được các nền tảng mạng xã hội nước ngoài đáp ứng nhiều hơn. “Trước đây, Việt Nam yêu cầu 100 thì chỉ khoảng 30% yêu cầu được thực hiện, còn bây giờ  khoảng 70%. Với Google, khi Việt Nam yêu cầu gỡ tin thì tỷ lệ thực hiện đã lên đến 85%. Mới đây, Facebook đã tuyên bố không quảng cáo những trang thông tin chống phá nhà nước Việt Nam”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên ông nhấn mạnh, giải pháp lâu dài là phải giáo dục, nâng cao nhận thức của người dùng để phân biệt các tin thật – giả, xấu, độc trên mạng xã hội; kỹ năng sống trên không gian mạng cần được trang bị cho học sinh từ trường phổ thông.

“Khi xem các thông tin xấu, độc thì mọi người nên bày tỏ thái độ bằng nút “không thích” (dislike). Đây là cách mà mỗi người dùng thể hiện thái độ với tin giả trên mạng xã hội”, ông Hùng nói.

‘Não người Việt không nằm ở Việt Nam sẽ nguy hiểm tới an ninh quốc gia’

Theo người đứng đầu ngành thông tin – truyền thông, cần phải đạt đến con số tương đương bởi vì hiện nay rất nhiều người “nghĩ gì, nói gì, mua gì, thậm chí yêu ai đều thông qua mạng xã hội”.

“Và điều gì sẽ xảy ra? Nếu như tất cả các thông tin đó ở trên một mạng xã hội nước ngoài có nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ và không nằm ở Việt Nam. Điều này là rất nguy hiểm đến an ninh quốc gia”, ông Hùng thông tin.

Theo ông Hùng, nếu như mỗi người dùng một mạng xã hội thì thông tin của chúng ta sẽ không tập trung 100% vào đâu cả. “Chúng ta phân tán dữ liệu đó ra và tạo ra sự an toàn”, ông Hùng nói và lưu ý, rất ít nước trên thế giới làm được việc này.

(Theo VnExpress)

Bài mới
Đọc nhiều