+
Aa
-
like
comment

Đại sứ tại Liên Hợp quốc lên tiếng: Iran có đầy đủ quyền đáp trả các hành động gây chiến tranh của Mỹ

08/01/2020 19:37

Đại sứ Iran Majid Takht-e Ravanchi tại Liên Hợp Quốc đã gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một bức thư mới nói rõ quan điểm của Iran trong những xung đột mới với Hoa Kỳ.

Hình ảnh Iran phóng tên lửa tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ.

Bức thư kêu gọi chú ý đến sự bất hợp pháp và bản chất khiêu khích của các mối đe dọa và khiêu khích mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên tục đưa ra. Đồng thời nhấn mạnh Cộng hòa Hồi giáo Iran có quyền tự vệ trước mọi mối đe dọa hoặc triển khai lực lượng nhắm vào nước này.

Ông Majid Taht-Ravanchi, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc.

Dưới đây là toàn văn của bức thư:

“Căn cứ vào lá thư của tôi ngày 3 tháng 1 năm 2020 về cuộc tấn công của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ giết hại Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds của Cộng hòa Hồi giáo Iran, và các bạn đồng hành của ông vào ngày 3 tháng 1 năm 2020 tại Sân bay quốc tế Baghdad, tôi viết thư này để thu hút sự chú ý của Liên Hợp quốc (LHQ) tới một tuyên bố khiêu khích khác của Hoa Kỳ đe dọa sẽ sử dụng vũ lực hơn nữa chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Vào ngày 3 tháng 1 năm 2020, gần như ngay lập tức sau cuộc tấn công khủng bố, Tổng thống Hoa Kỳ đã đe dọa Iran, đặc biệt là tuyên bố về việc Hoa Kỳ đã xác định tất cả các mục tiêu ở Iran, và họ sẵn sàng thực hiện mọi hành động tấn công cần thiết .

Vào ngày 4 tháng 1 năm 2020, một lần nữa, Tổng thống Hoa Kỳ lại đe dọa sẽ tấn công “rất nhanh và rất khó khăn” vào các địa điểm của Iran, mà ông ấy thống kê là 52 mục tiêu. Sau vài giờ cùng ngày, ông ấy đe dọa Iran một lần nữa bằng cách tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ đánh Iran mạnh hơn so với những gì Iran từng bị đánh trước đó.

Vào ngày 5 tháng 1 năm 2020, khi đối mặt với những chỉ trích rằng nhắm mục tiêu vào các địa điểm văn hóa của Iran sẽ bị coi là tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế, ông ta khẳng định một lần nữa rằng, Hoa Kỳ không bị ràng buộc với những điều đó (nguyên văn: Hoa Kỳ không được phép chạm vào những địa chỉ văn hóa của họ? Nó không hoạt động theo cách đó). Cùng ngày, ông ta một lần nữa đe dọa một cách trơ trẽn rằng, Hoa Kỳ sẽ tấn công một cách nhanh chóng và hoàn hảo vào cuộc sống của Iran theo cách không tương xứng.

Nhìn chung, chỉ trong ba ngày, Tổng thống Hoa Kỳ, thông qua những tuyên bố cực kỳ khiêu khích và gay gắt, đã đe dọa năm lần về việc sử dụng vũ lực chống lại một thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc lặp lại công khai những tuyên bố khiêu khích và các mối đe dọa bất hợp pháp này là một lời kêu gọi rõ ràng về sự vô pháp luật, sự hỗn loạn và lộn xộn ở cấp độ quốc tế, đặc biệt là đối với một lợi ích chung rất quan trọng như hòa bình và an ninh.

Các mối đe dọa không được kiểm soát như vậy của Tổng thống Hoa Kỳ không thể chối cãi đã cấu thành một sự vi phạm thô bạo đối với các chuẩn mực khắt khe của luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc rất cơ bản được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Điều 2 (mục 4) đã cấm một cách rõ ràng các mối đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong mối quan hệ quốc tế.

Do tính chất đối đầu của các tuyên bố và mối đe dọa gây căng thẳng này, cũng như sự chia rẽ lan tràn và bất lợi của chủ nghĩa phiêu lưu quân sự Hoa Kỳ đối với hòa bình an ninh trong khu vực và quốc tế, rõ ràng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi hậu quả.

Một điều hiển nhiên là mối đe dọa nhắm vào các địa điểm văn hóa của Iran chắc chắn là sự vi phạm trắng trợn các quy tắc và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, và bất kỳ cuộc tấn công nào vào các địa điểm đó sẽ là tội ác chiến tranh. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, thiệt hại về tài sản văn hóa thuộc về bất kỳ người nào có nghĩa là thiệt hại đối với di sản văn hóa của toàn nhân loại.

Nhắc lại rằng, sự bất an và bất ổn hiện tại ở khu vực Vịnh Ba Tư rộng lớn hơn là kết quả trực tiếp của cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Iraq của Hoa Kỳ vào năm 2003 cũng như sự hiện diện quân sự khổng lồ với chính sách chia rẽ và cai trị của nó ở khu vực này. Nhấn mạnh thêm rằng tất cả các mối đe dọa đã nói ở trên, bao gồm việc gửi thêm quân và thiết bị quân sự “đẹp và hoàn toàn mới” đến khu vực vốn đã biến động này, thực sự sẽ làm phức tạp thêm tình hình căng thẳng hiện nay.

Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng những tuyên bố và hành động nói trên chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm trong các chính sách thù địch và các hành vi trái pháp luật, cũng như các mối đe dọa và âm mưu của Hoa Kỳ chống lại Iran trong suốt 40 năm qua.

Trong khi Cộng hòa Hồi giáo Iran không tìm kiếm chiến tranh, nó nghiêm túc cảnh báo chống lại bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào tiếp theo chống lại nó. Iran quyết tâm tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ người dân của mình, bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, bảo đảm đầy đủ lợi ích quốc gia của mình.

Theo đó, phù hợp với luật pháp quốc tế trong việc thực hiện quyền tự vệ vốn có của mình, Iran sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết và cân xứng trước mọi mối đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực. Điều này phù hợp với quyền vốn có của nó theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Iran sẽ không ngần ngại thực hiện nó khi được yêu cầu.

Các chính sách vô trách nhiệm và các hành vi trái pháp luật của Hoa Kỳ tiếp tục không chỉ gây nguy hiểm cho nền tảng của luật pháp và trật tự quốc tế mà còn là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Cộng đồng quốc tế không nên tha thứ hay chịu đựng tình trạng này và phải yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt các biện pháp bất hợp pháp gây bất ổn liên tục ở một khu vực đầy biến động như Trung Đông, đặc biệt là rút toàn bộ lực lượng của họ ra khỏi khu vực.

Tương tự như vậy, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải lên án, theo các điều khoản mạnh nhất có thể, các mối đe dọa bất hợp pháp và các chính sách gây bất ổn của Hoa Kỳ cũng như yêu cầu Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về tất cả các hành vi sai trái và các hành vi trái pháp luật của mình, buộc họ phải tuân thủ các nguyên tắc và quy tắc của luật pháp quốc tế.

Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông sử dụng lá thư này để lưu hành nó như một tài liệu của Hội đồng Bảo an”.

(Ngô Mạnh Hùng dịch)

Bài mới
Đọc nhiều