Đại sứ quán Trung Quốc bất ngờ gửi công văn cho Việt Nam nói về xuất khẩu khẩu trang y tế
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng cục Hải quan hỏi về thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế sang Trung Quốc để chống dịch virus Corona.
Theo cập nhật của Bộ Y tế, tính đến ngày 5.2, dịch bệnh do virus Corona mới tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc, với số người chết lên tới 493 trên tổng số 24.553 người nhiễm bệnh, cao hơn con số tử vong của dịch viêm phổi cấp tính nặng SARS năm 2002 – 2003.
Trước tình hình này, ngoài tỉnh Hồ Bắc, nhiều tỉnh và thành phố khác của Trung Quốc đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Tổng cộng hơn 300 triệu người buộc phải đeo khẩu trang ở Trung Quốc. Cho dù không bắt buộc, người dân Trung Quốc những ngày qua cũng đã đổ xô đi mua khẩu trang vì sợ lây bệnh, gây nên tình trạng khan hiếm.
Bình thường khi chạy hết công suất, các nhà máy của Trung Quốc sản xuất được 20 triệu khẩu trang mỗi ngày, nhưng theo một quan chức của Bộ Công nghiệp Trung Quốc, các nhà máy mới hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ tết, và hiện chỉ chạy khoảng từ 60 – 70% công suất, nên không đáp ứng kịp nhu cầu.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết trên cơ sở hợp tác chống buôn lậu giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc và mong muốn từ phía nước bạn, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ, trao tặng hơn 55.000 chiếc khẩu trang y tế để phòng, chống dịch cúm do virus Corona.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng gửi văn bản hỏi thêm Tổng cục Hải quan về thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế. Phía Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì mặt hàng khẩu trang y tế khi xuất khẩu không phải xin giấy phép của cơ quan chức năng. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc thông báo tới đơn vị xuất khẩu làm thủ tục xuất khẩu với cơ quan hải quan tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan.
Bên cạnh đó, do tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, ông Nguyễn Văn Quý, Phó đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Lào Cai), cũng vừa xác nhận đã liên tiếp bắt giữ 2 vụ vận chuyển lậu khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Cụ thể, Đội kiểm soát Hải quan phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh này phát hiện lô hàng 5 thùng carton lớn, bên trong chứa 12.250 chiếc khẩu trang. Toàn bộ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã tạm giữ 200.000 chiếc khẩu trang định xuất lậu sang Trung Quốc.
Điều kiện xuất khẩu đối với khẩu trang y tế
Theo quy định tại điều 40 Nghị định 36/2016/NĐ-CP và Nghị định 169/2018/NĐ-CP, khẩu trang y tế có tác dụng ngăn ngừa virus cúm, do vậy, các loại khẩu trang có chức năng này được coi là trang thiết bị y tế.
Vì vậy, việc xuất khẩu đổi với khẩu trang y tế phải tuân theo quy định như đối với xuất khẩu trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, do khẩu trang y tế không chứa các loại chất ma tuý và tiền chất nên không cần làm thủ tục xin giấy phép xuất khẩu, song phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:
– Đối với tất cả các loại trang thiết bị y tế nói chung và khẩu trang y tế nói riêng, phải làm thủ tục phân loại thiết bị y tế, bởi các đơn vị đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế. Đối với khẩu trang y tế thường, áp dụng theo quy tắc phân loại số 4 và được phân loại A.
– Sau khi có kết quả phân loại A, doanh nghiệp làm thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng cho khẩu trang y tế.
– Sau khi làm thủ tục công bố cho khẩu trang thì khẩu trang y tế đã có thể lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu, doanh nghiệp cần làm thêm giấy chứng nhận lưu hành tự do cho khẩu trang (theo yêu cầu của nước nhập khẩu).
Tại cuộc họp ngày 4/2 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ứng phó với dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ: Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế để triển khai các giải pháp ứng phó với dịch Corona; chủ động chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia,… kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm các nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất mặt hàng khẩu trang.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Bộ Công Thương đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá, xuất lậu mặt hàng khẩu trang. Đặc biệt, từ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn đã thực sự ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch với quan điểm ưu tiên cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước.
Thành Nhân