Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam: Đại dịch là cơ hội giảm lệ thuộc Trung Quốc
Hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ xúc tiến tự lập hóa của ngành công nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế thông qua giảm tỉ lệ nhập khẩu các vật liệu, phụ tùng, thiết bị và tăng cường chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ngài Park Noh Wan, đã cùng PV trong một cuộc trao đổi nhân những ngày cuối năm âm lịch.
Đại dịch cũng là thời cơ
Thưa đại sứ Park Noh Wan, ông đã có kế hoạch gì cho Tết âm lịch năm nay? COVID-19 có ảnh hưởng tới kế hoạch của ông và gia đình không?
– Cũng như mọi năm, tôi sẽ dành thời gian cho gia đình. Thật tiếc khi Tết này tất cả các thành viên gia đình khó có thể đông đủ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tết mỗi năm, rất nhiều gia đình Việt và Hàn Quốc thăm hỏi, chia sẻ với nhau, nhưng Tết này việc đi lại giữa hai nước khó khăn, nên tôi thấy tiếc khi hẳn họ phải nhớ nhà da diết. Hi vọng hoạt động đi lại giữa hai bên sớm nối lại và các gia đình sẽ có những khoảng thời gian vui vẻ bên nhau. Tôi cũng sẽ cố gắng hết sức trên cương vị là đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.
– Theo đại sứ, COVID-19 và hệ lụy kinh tế của nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới ngày Tết của người Hàn, người Việt và cả công dân Hàn ở Việt Nam cũng như công dân Việt Nam ở Hàn?
– Trong khi ngành sản xuất điện tử, đầu tư, thương mại trên toàn thế giới bị thu hẹp nhiều do ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 3%, cao nhất trong khu vực ASEAN.
Nhưng hạn chế đi lại giữa các nước khiến công việc của các chuyên gia gặp khó khăn, cản trở nhu cầu thực hiện đầu tư. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2020 giảm 50% so với năm 2019, đặc biệt đầu tư trong lĩnh vực thế mạnh của Hàn Quốc là sản xuất chế tạo đã giảm 55%.
Đương nhiên sẽ có các doanh nghiệp Hàn Quốc mới đầu tư vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên quyết định đầu tư của các doanh nghiệp vốn đang hoạt động không thể được đưa ra nếu lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn không thể sang Việt Nam công tác. Do đó, chính phủ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã thống nhất quy trình nhập cảnh đặc biệt để các chuyên gia có thể đi lại mà không cần cách ly từ ngày 1-1-2021.
Để mở rộng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, cần phải thực hiện thành công quy trình nhập cảnh đặc biệt, tạo điều kiện cho các chuyên gia của doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tự do sang thăm Việt Nam. Tôi hi vọng điều này sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ và phối hợp tích cực của Chính phủ trung ương như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải cũng như chính quyền các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM.
Việc đại dịch bùng phát trở thành cơ hội cho Hàn Quốc giảm lệ thuộc Trung Quốc và tìm kiếm sự đa dạng hóa của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ xúc tiến tự lập hóa của ngành công nghiệp Việt Nam (hiện nay doanh nghiệp FDI chiếm 72% tổng xuất khẩu) và thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi thông qua việc giảm tỉ lệ nhập khẩu các vật liệu, phụ tùng, thiết bị và tăng cường chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cũng như chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Rất may từ 6 tháng cuối năm 2020, đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc có xu thế tăng dần. Hai doanh nghiệp Hàn Quốc gồm Hansol điện tử đã quyết định đầu tư mới vào lĩnh vực điện tử với quy mô 130 triệu USD tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 1 năm nay. Các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn dành nhiều sự quan tâm cho Việt Nam và đánh giá Việt Nam là một nước có điều kiện cạnh tranh thu hút đầu tư cao so với các nước trong khu vực Đông Á.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp tại Hưng Yên dự kiến khởi công trong 6 tháng đầu năm nay sẽ là một khu công nghiệp phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong điện tử và công nghiệp vật liệu dựa trên vị trí gần với các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp lớn như Samsung, LG và sân bay, cảng biển. Chính vì vậy, khu công nghiệp này được kỳ vọng trở thành một cụm công nghiệp cả doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới.
Món ăn Việt Nam sẽ “hot” tại Hàn Quốc
– Chúng ta chia sẻ nhiều điểm chung về văn hóa, truyền thống. Theo ông, việc này đóng vai trò như thế nào cho mối quan hệ hai nước?
Với sự tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hai nước đã thiết lập mối quan hệ mật thiết và giao lưu nhân dân diễn ra rất sôi nổi.
Tôi cho rằng văn hóa của Hàn Quốc nhận được nhiều sự yêu mến tại Việt Nam so với các nước Đông Nam Á khác. Vì vậy, tôi xin chân thành cảm ơn trên cương vị là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.
Gần đây, văn hóa Việt Nam cũng càng lan rộng tại Hàn Quốc. Đặc biệt các món ăn Việt Nam như phở, bún chả, bánh mì, quán cà phê Cộng… được yêu mến tại Hàn Quốc. Cũng như kim chi, bánh gạo (topokki), rượu soju được yêu mến tại Việt Nam, Tôi cho rằng, các món ăn đặc sắc khác của Việt Nam sẽ ngày càng được yêu mến tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, phương pháp hiệu quả nhất để văn hóa hai nước có thể gần gũi hơn nữa chính là tăng cường giao lưu trực tiếp nhân dân giữa hai nước.
Tôi tin rằng nếu sự giao lưu nhân dân giữa hai nước càng sôi nổi thì sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc văn hóa với nhau và văn hóa Việt Nam có thể trở nên quen thuộc với nhiều người dân Hàn Quốc một cách tự nhiên.
Hàn Quốc sẽ tiếp tục xem xét các phương án mở rộng giao lưu nhân dân giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa vào năm 2022.
– Ông thích điều gì nhất ở Việt Nam, đặc biệt về phong tục và ngày Tết cổ truyền?
– Việt Nam có rất nhiều nét văn hóa hấp dẫn và đa dạng. Đặc biệt, liên quan với văn hóa Tết Nguyên đán, tôi ấn tượng nhất với văn hóa đi thăm chùa nhân dịp Tết.
Tôi cho rằng việc đi thăm chùa để chúc sức khỏe và thành công không chỉ cho bản thân mình mà còn cả họ hàng và bạn bè nhân dịp năm mới là một hình ảnh đẹp đẽ.
Nhâp dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi xin chúc nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc sức khỏe và hạnh phúc.
– Cảm ơn đại sứ!
NHẬT ĐĂNG