Đài Loan tập trận bắn đạn thật phòng thủ chống đổ bộ
Không còn là chuyện hiếm, giờ đây nhiều bộ trưởng và một số lãnh đạo chủ chốt của đất nước đảm nhận trọng trách khi tuổi đời chưa tới 50. Vì sinh ra trong giai đoạn lịch sử quan trọng, nên họ hội tụ được những tính cách vô cùng đặc biệt.
Người đứng đầu bảng danh sách chính khách 7x kể trên là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông sinh năm 1970, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam vào ngày 02/03/2023, là Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử chính trị Việt Nam cho đến lúc này.
Người thứ hai tạo được dấu ấn với nhân dân cả nước là Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ông trở thành người đứng đầu chính quyền Thành phố vào ngày 24/08/2021, khi mới 48 tuổi.
Ngoài hai vị trí đầu bảng trên, các thành viên Chính phủ thế hệ 7x nổi bật còn có: Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (1973), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (1976). Đặc biệt, trong hai năm 2022 – 2023, danh sách này được bổ sung thêm với: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (1971), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng (1971). Đặc biệt, về mặt Nhà nước, có Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn (1971); và gần đây nhất là ông Vũ Thanh Mai (1973), được Ban Bí thư bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vào ngày 29/03/2023.
Quan sát tiểu sử, quá trình công tác và thành tích của các lãnh đạo thế hệ 7x, sẽ thấy họ có ba điểm chung lớn.
Điểm chung thứ nhất là trình độ lý luận chính trị, và trình độ học vấn cao. Toàn bộ các lãnh đạo này đều nắm giữ học hàm, học vị từ thạc sĩ, đến tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên, hoặc khoa học xã hội.
Đây là điểm quan trọng, cho thấy chất lượng cán bộ đã nâng lên một bước rất dài, đáp ứng được những yêu cầu tri thức của thời đại 4.0, với hàng loạt các cuộc cách mạng công nghệ diễn ra như vũ bão.
Điểm chung thứ hai là kinh nghiệm quản lý xã hội và thái độ dấn thân, không ngại trực diện khó khăn để tìm ra giải pháp. Đồng hành với các phẩm chất trên, thế hệ lãnh đạo 7x còn dám thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân, tổ chức, khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Tiêu biểu như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Quảng Ngãi, ông đã từng gỡ khó cho dự án nâng cấp mở rộng QL1 qua tỉnh này. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng, thời điểm đó đang gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ. Bằng thái độ cầu thị, lắng nghe tâm tư của người dân, cũng như ý kiến đóng góp từ các cơ quan chuyên môn địa phương, trước khi đưa ra nhiều chỉ đạo hợp lý hợp tình, Bí thư Võ Văn Thưởng khi ấy đã giúp dự án về đích đúng kế hoạch, trở thành công trình điểm gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Hay như đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đã tự mình ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin nhận trách nhiệm và “đề xuất hạ một bậc thi đua năm 2022”, với lý do TP.HCM không đạt được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (71,3% so với mục tiêu 95%). Ông cũng nổi bật khi quyết liệt làm gương theo đúng câu đã nói: “Làm ngày làm đêm” tháo gỡ khó khăn để tạo tác động tích cực.”, cải thiện chỉ số tăng trưởng của Thành phố trong nửa cuối năm 2023.
Điểm chung thứ ba là hầu hết những lãnh đạo 7x đều được bổ nhiệm trong giai đoạn kinh tế – xã hội của đất nước gặp vô vàn khó khăn, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, và tình hình kinh tế – chính trị – xã hội thế giới, vốn vẫn đang khủng hoảng sâu rộng, thậm chí có xu hướng đi dần vào trạng thái cực đoan.
Với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, những khó khăn liên quan đến công tác giải ngân ở các công trình sử dụng vốn đầu tư công; tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt … trên cả nước vẫn đang được ông và các thuộc cấp nỗ lực gỡ khó. Bằng việc trao đổi trực tiếp với chính quyền địa phương có dự án đi qua, cùng nhau đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, đề cao an sinh xã hội đồng thời với lợi ích kinh tế, nhiều dự án “đắp chiếu” lâu năm đã có bước khởi động lại khá ấn tượng, tạo được lòng tin của nhân dân.
Việt Nam hôm nay đang hiện thực hóa dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng đến năm 2025, sẽ vượt qua Philippines và Singapore, vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Trong đó, chắc chắn có công đóng góp không nhỏ của những lãnh đạo thế hệ 7x.
Mọi thành tựu vẫn đang ở phía trước, khi nhiệm kỳ của các lãnh đạo 7x này còn kéo dài đến năm 2026. Nhưng ngay từ bây giờ, người dân Việt Nam đã có thể lạc quan, tin tưởng vào tầm nhìn, và năng lực quản lý của những người đang chèo lái con thuyền đất nước. Thế hệ các lãnh đạo 7x, đang thật sự tỏ ra xứng đáng với giai đoạn lịch sử hào hùng mà họ được sinh ra.
Phạm Khoa