Đài Loan lộ kế sách “độc” hủy diệt hạm đội Trung Quốc: Trận đánh sẽ rất khủng khiếp!
Theo các nguồn tin, Đài Loan đã chi 2,54 tỷ USD để sản xuất hơn 100 chiếc máy bay không người lái tấn công tự sát để thực hiện chiến thuật Kamikaze nhằm đối phó Trung Quốc.
Trong khuôn khổ triển lãm Công nghiệp Quốc phòng và Hàng không vũ trụ Đài Bắc (TADTE-2019), Đài Loan lần đầu tiên giới thiệu hệ thống phóng máy bay không người lái với 12 bệ phóng chứa 12 UAV Chien Hsiang.
Vừa xuất hiện, hệ thống phóng UAV đồ sộ này nhanh chóng thu hút sự chú ý giới phân tích quân sự khu vực và người xem.
Mặc dù không có sự tuyên bố nào về mục đích thiết kế của hệ thống vũ khí, nhưng có thể thấy rằng nó ra đời nhằm đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc.
Theo shephardmedia, Đài Loan đã chi tới 2,54 tỷ USD phát triển và sản xuất 104 UAV Chien Hsiang suốt 6 năm qua để chuẩn bị cho chiến thuật chiến đấu kiểu “Kamikaze” – tấn công tự sát huyền thoại do Nhật Bản sáng tạo trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhưng khác với kiểu tấn công bằng máy bay có người lái phải hi sinh người phi công, Kamikaze hiện đại sử dụng các loại máy bay không người lái tấn công đối phương.
Hiện không rõ tính năng của Chien Hsiang có gì đặc biệt, tuy nhiên giới phân tích dự đoán nó là sự học hỏi loại UAV tự sát Harpy của Israel. Nó giống như một quả tên lửa hành trình, bay lởn vởn quanh khu vực có địch, xác định mục tiêu rồi tấn công vào đối phương.
Mặc dù đầu đạn thường rất bé nhưng nếu mục tiêu là một đài radar thì Chien Hsiang thừa sức vô hiệu hóa. Phá nát anten phát sóng là đủ để mọi radar tối tân nhất “hết cửa đánh đấm”.
Giả định, Đài Loan phải đối mặt với một cuộc tấn công đổ bộ quy mô lớn từ Hải quân Trung Quốc. Sức mạnh của Hải quân Đài Loan dù tương đối mạnh nhưng là chưa đủ để ngăn cản hoàn toàn bước tiến từ Trung Quốc trên mặt biển.
Các chiến hạm Trung Quốc trang bị hệ thống phòng không tầm trung – xa HQ-9, HQ-16 có thể khống chế hoàn toàn bầu trời Đài Loan.
Tất nhiên, Đài Loan sẽ không chịu ngồi im, một trong những giải pháp họ có thể đưa ra đó chính là Chien Hsiang.
Theo đó, các bệ phóng di động chứa 12 container UAV Chien Hsiang sẽ từ nơi trú ẩn kéo tới khu vực bờ biển, khởi động ồ ạt toàn bộ hướng ra biển.
Trên mỗi UAV lắp các cảm biến phát hiện tín hiệu bức xạ phát ra từ hệ thống radar trên tàu chiến Trung Quốc, định vị và tấn công chúng.
Mất radar cảnh giới, radar dẫn bắn, các vũ khí tầm xa trên tàu chiến Trung Quốc chẳng khác nào “mớ sắt vụn”.
Lúc này, Không quân và Hải quân Đài Loan toàn lực xuất kích, dùng bom thông minh và tên lửa hành trình phá hủy toàn bộ hạm đội đối phương.
Tất nhiên, đây chỉ là sự giả định mang tính lý thuyết, chiến trường thực tế phức tạp hơn nhiều. Các hệ thống phòng thủ cao tốc CIWS trên tàu Trung Quốc có thể bắn trả quyết liệt hạ các UAV trước khi chúng tiếp cận.
Dẫu vậy, với lợi thế kích cỡ nhỏ, diện tích phản xạ radar không lớn, UAV Chien Hsiang khó bị phát hiện hơn, sẽ có chiếc bị bắn nhưng cũng có chiếc đi trúng đích.
Trận đánh sẽ vô cùng khủng khiếp khi máy bay Đài Loan cũng sẽ phải đối mặt với không quân hải quân Trung Quốc tinh nhuệ. Họ sẽ phải tìm mọi cách phải bảo vệ đội tàu mặt nước của mình tiếp cận tàu chiến Trung Quốc, vừa phải làm nhiệm vụ tấn công từ trên không.
Hai bên sẽ chịu hậu quả cực kỳ khủng khiếp, nhưng nếu vô hiệu hóa được khả năng phòng thủ – tấn công của Hải quân Trung Quốc ở mức 50-60% đã là đủ để Đài Loan nghĩ tới “lật ngược thế cờ”.
Ngoài Chien Hsiang, tại TADTE-2019, Đài Loan còn giới thiệu một loạt các hệ thống vũ khí tấn công khác gồm UAV, tên lửa hành trình, tàu chiến thế hệ mới… với mục tiêu phòng thủ hòn đảo này trước mọi cuộc tấn công tiềm tàng.
Sau đây là một số hình ảnh tại triển lãm:
theo Trí Thức Trẻ