ĐẠI KHÍ
50 năm ngày non sông nối liền một dải không chỉ là dịp để hoài niệm, mà là thời điểm để dân tộc Việt Nam đối diện với thách thức hiện tại và tương lai. Câu hỏi “Làm gì để đất nước không còn tụt hậu” không thể trả lời bằng lý thuyết suông hay giáo điều cũ kỹ, mà phải bằng hành động thực chất của từng người Việt Nam, từ lãnh đạo đến mỗi công dân. Đây là lúc cần sự thẳng thắn, không né tránh, không che đậy.
Trong bài viết kỷ niệm 30/4 mang tiêu đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã cảnh tỉnh: đất nước không thể để tụt hậu, không thể bỏ lỡ cơ hội, không thể tái diễn những vòng xoáy lịch sử từng kiềm hãm dân tộc.
Thông điệp ấy thôi thúc hành động ngay hôm nay, không phải vì bất kỳ hình thức nào, mà vì sự tồn vong và phát triển của quốc gia trong một thế giới biến động. Đây là yêu cầu chung, chứ không phải lời ca tụng cá nhân hay đảng phái.
VẬN NƯỚC VÀ KHÍ CỦA ĐẠI NGHĨA
Vận mệnh quốc gia không chỉ là chuyện của nhà nước, mà là trách nhiệm của toàn dân tộc. Như bài viết đã nhấn mạnh, “nhất thiết phải phát huy trí tuệ và sức mạnh toàn dân”, bao gồm cả người Việt ở năm châu. Mỗi quyết định hôm nay sẽ định hình tương lai Việt Nam nhiều thập kỷ tới.
Đất nước cần những chỉ dẫn rõ ràng, thực tiễn, chứ không phải những mớ lý luận khuôn mẫu đã lỗi thời. Vận nước chỉ thực sự vững mạnh khi trong mỗi hành động, mỗi chính sách đều thấm đẫm tinh thần đại nghĩa.
Sức mạnh Việt Nam không thể cầu từ bên ngoài, mà phải bắt nguồn từ nội lực: từ tinh thần tự lực tự cường, từ bản lĩnh một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục. Không có nội lực, không có nền tảng vững chắc, thì không thể đứng vững trước thời cuộc. Đây là bài học xuyên suốt lịch sử Việt Nam.
VĂN HÓA NHÂN VĂN VÀ LÒNG ĐOÀN KẾT
Văn hóa và nhân văn không chỉ là khái niệm, mà là nền móng của đoàn kết dân tộc. Con đường duy nhất là đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết. Khi xã hội phân hóa, khi cái riêng lấn át cái chung, sự phát triển bền vững sẽ trở nên mong manh.
Ngày 30/4/1975, Trịnh Công Sơn cất lên “Nối vòng tay lớn” như một lời mời gọi đoàn kết, nhưng cũng là lời nhắc nhớ những chia rẽ kéo dài qua nhiều thế hệ, ngay cả khi tiếng súng đã ngừng.
Lần đầu tiên sau 50 năm, chúng ta dám đối diện với sự thật ấy: rằng đoàn kết và hòa giải chỉ có thể thành hiện thực nếu mỗi người Việt, bất kể từng đứng ở đâu trong lịch sử, đều hướng tới tương lai chung. Điều này đòi hỏi sự thay đổi ngay từ cách chúng ta đối diện với quá khứ, từ cách chúng ta đối xử với những giá trị đã tồn tại và từ cách chúng ta hành động ngay hôm nay.
Cần phải trân trọng những người từng ở phía bên kia chiến tuyến. Dù sống trong nghèo khó, họ vẫn giữ vững niềm tin và phẩm giá suốt nửa thế kỷ – phẩm chất quý giá giữa một thời đại đảo lộn bởi đồng tiền và danh vọng.
Hòa giải không có nghĩa là quên đi quá khứ, mà là học cách tôn trọng quá khứ để không lặp lại sai lầm. Chỉ khi sự tôn trọng được khôi phục, dân tộc mới thực sự mạnh lên.
Mọi người Việt Nam – trong nước hay hải ngoại, Bắc hay Nam, hôm qua hay hôm nay – đều chung một nguồn cội. Chỉ bằng sự thay đổi tư duy và hành động ngay từ bây giờ, chúng ta mới có thể hiện thực hóa khát vọng “Nối vòng tay lớn” thành sức mạnh quốc gia mới.
Nếu chỉ giữ tiểu khí, tiểu lượng, không thể nào vươn tới sự bao dung, lớn mạnh về tư tưởng, hành động, nhân cách – để thực sự vì quốc gia.
Thu An