+
Aa
-
like
comment

Đại học Hoa Sen mở ngành “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam

07/05/2021 13:37

Sáng 7/5, trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức lễ ra mắt ngành Kinh tế Thể thao. Đây là trường đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại đào tạo bậc cử nhân ngành này tại Việt Nam trong năm 2021.

Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM cho rằng, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế thể thao.

“Con gà đẻ trứng vàng” đang bị lãng quên

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt ngành Kinh tế Thể thao được tổ chức sáng 7/5 tại TP.HCM, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM cho rằng, từ lâu nay, ngành TDTT đang quen với cơ chế được bao cấp và cần được sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là lĩnh vực thể thao đại chúng và thể thao thành tích cao. Tư duy kiếm tiền từ lĩnh vực thể thao chưa thật sự được chú trọng như cách mà ngành du lịch đang làm.

“Trong khi du lịch được xem là ngành mũi nhọn để làm kinh tế thì lĩnh vực thể thao, cũng là một ngành đầy tiềm năng để làm ra tiền, lại đang bị bỏ quên lâu nay”, ông Mai Bá Hùng trăn trở.

“Sở VH-TT mong đợi trường Đại học Hoa Sen và các cơ sở giáo dục khác chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này, cũng như nghiên cứu xem thể thao đã, đang, và sẽ đóng góp như thế nào trong tổng thể phát triển kinh tế của TPHCM”, ông Hùng “đặt hàng” các trường đại học.

Các nước phát triển xem thể thao như là nguồn thu lợi lớn nhờ sự đầu tư bài bản về nhân lực.

Theo vị lãnh đạo về quản lý nhà nước về thể dục thể thao của TP.HCM thì các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, hay là Thái Lan ngay tại khu vực ĐNA luôn xem thể thao là “con gà đẻ trứng vàng”, và vì vậy, họ phải tranh giành bằng mọi giá để được đăng cai những sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội Olympic, Giải quần vợt Wimbledon (Anh Quốc), Giải Masters Tournament (Hoa Kỳ),…

Trong một nghiên cứu được công bố tháng 9/2020, ThS Hoàng Tú Anh cho biết, riêng về hoạt động kinh doanh thể thao thì Mỹ hiện đứng đầu thế giới về quy mô, trình độ và hiệu quả. Ngành công nghiệp thể thao được đánh giá là một trong 10 ngành lớn nhất của Mỹ với quy mô 441,1 tỉ USD (năm 2008) và 435 tỷ USD (2020). Quy mô tổng thị trường đạt 400 – 435 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Tương tự, Trung Quốc hiện được coi là trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng thể thao lớn nhất của thế giới, trong đó giầy thể thao chiếm hơn 70% thị trường toàn cầu

“Khát” nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực Kinh tế thể thao

Đồng quan điểm với ông Mai Bá Hùng, ông Henry Nguyen, nhà sáng lập tập đoàn XLE chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thể thao, cũng cho biết rằng, các nước như Mỹ và châu Âu luôn có sẵn nguồn nhân lực chuyên về lĩnh vực kinh tế thể thao trên thị trường lao động. Thế nhưng khi sang Việt Nam để làm ăn, ông không thể tìm được nhân sự nào được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

“Trong 50 nhân sự làm việc tại tập đoàn mà chúng tôi từng tuyển dụng, tất cả đều phải được đào tạo lại từ đầu bởi không có ai tốt nghiệp từ ngành này tại Việt Nam”, ông Henry Nguyen cho biết.

Cầu thủ Công Vinh, nhà sáng lập Học viện Bóng đá Cộng đồng CV9.

Cùng xuất hiện tại sự kiện với vợ mình là ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Công Vinh, “ông chủ” của Học viện bóng đá cộng đồng CV9 khẳng định rằng, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng chính là “cỗ máy đẻ ra tiền”, và vì vậy, cần những con người có tư duy, kiến thức và kỹ năng chuyên môn để làm việc một cách hiệu quả.

“Trong tương lai gần, xu hướng của thị trường thể thao tại Việt Nam chính là tự thu tự chi. Nói cách khác, các đội bóng sẽ nhận được nhiều tài trợ nếu có cơ chế quản lý và vận hành chuyên nghiệp. Để làm được điều đó thì cần có những người thật sự am hiểu thể thao, có đầu óc và phương pháp để bắt thể thao ‘đẻ” ra tiền”, cựu đội trưởng Đội tuyển quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.

Trước mong đợi và kỳ vọng của nhà quản lý cùng các doanh nghiệp lớn PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Q. Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cam kết rằng, trường Đại học Hoa Sen sẽ quyết tâm phát triển ngành học mới mẽ này theo hướng gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

“Chúng tôi đặt nền móng và làm người tiên phong để mở ngành học này với mục tiêu cao nhất là cung cấp cho các doanh nghiệp những nhân sự giỏi và chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh tế thể thao”, bà Thúy nói.

Ông Dane Fort, Tổng giám đốc FLG Việt Nam tặng Đại học Hoa Sen bức tranh bác Hồ tập thể thao với thông điệp: “Thể thao mang lại hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp cho mọi người”.

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế Thể thao cung cấp những kiến thức và phát triển các kỹ năng về quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại đồng thời giúp sinh viên tiếp cận với các doanh nghiệp lớn đầu ngành, tạo cơ hội nghề nghiệp phát triển trong tương lai.

Theo các nghiên cứu thì kinh tế thể thao đóng góp hơn 2% GDP ở các nước phát triển. Mặc dù lĩnh vực này chưa được chú trọng ở Việt Nam, nhưng với một thị trường trị giá hơn 8 nghìn tỷ đồng với hơn 3.000 CLB thể thao hiện có cùng dân số trẻ thì đây chính là một “mảnh đất màu mỡ” và đầy tiềm năng để khai phá.

Nguyễn Thuận

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều