+
Aa
-
like
comment

Đại học Đông Đô khiến nhiều người hoài nghi về bằng cấp

Phan Việt - 01/12/2020 18:31

Ngày 26/11/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố 10 bị can liên quan vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Theo thông tin từ Cơ quan điều tra, từ năm 2017 đến 2019, trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, trong số 626 người được cấp bằng “cử nhân”, đến nay cơ quan công an mới chỉ xác định thông tin và làm việc được với 217 trường hợp.

Trong đó, 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, 23 người có tham gia học tập nhưng do trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên không có giá trị. Như vậy, 409 người đang có tấm bằng cử nhân giả do ĐH Đông Đô cấp hiện chưa thể xác định là ai, đang làm việc ở đâu, sử dụng bằng hay chưa, vào mục đích gì…

Theo thống kê, 60/193 “cử nhân” đã sử dụng bằng, gồm 55 trường hợp xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ… Điều này có nghĩa 409 “cử nhân” bí ẩn kia cũng có thể đã sử dụng văn bằng hai giả của trường Đại học Đông Đô để làm những việc tương tự như trên.

Nhưng trường Đại học Đông Đô có phải là trường hợp cá biệt? rõ ràng là không vì chỉ cần một click chuột chúng ta dễ dàng thấy được hàng trăm website đăng tin mua bán bằng giả nhưng giống thật 100%. Tại sao việc bán bằng giả lại có thể thu hút được một lượng quảng cáo đông đảo như vậy, chỉ có thể xuất phát từ nhu cầu quá lớn về bằng cấp. Có lẽ xuất phát từ những quy định không phù hợp về bằng cấp buộc người ta phải tính tới việc mua bằng giả là con đường ngắn và nhanh nhất.

Là một người có hơn 10 năm công tác tại các cơ quan nhà nước, tôi biết được tầm quan trọng của các tấm bằng trong việc xét tuyển biên chế, nâng ngạch, nâng lương, quy hoạch, bổ nhiệm… Nhiều quy định, đặc biệt là quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học đã buộc những cán bộ công nhân viên chức phải chọn cách mua bằng để đảm bảo các điều kiện cần. Thật quá khó để một lãnh đạo cấp Phòng đã dừng việc học hơn 15 năm có chứng chỉ Anh văn B1 Châu Âu hoặc bằng B tin học; thật quá khó để một nhân viên văn phòng 15 năm lầm lũi với hồ sơ giấy tờ có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh để lên ngạch chuyên viên; thật khó để một cán bộ cảnh sát hình sự hàng ngày vật lộn với tội phạm có thể nghe nói đọc viết tiếng Anh đạt chuẩn B1 để có thể lên ngạch trinh sát viên trung cấp… Rất nhiều người trong số họ đã chọn con đường mua bằng để qua mặt cơ quan quản lý cấp trên trong việc xét duyệt. Đó là chưa kể đến các trường hợp sử dụng bằng giả để đảm bảo các yêu cầu cứng khi xin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Việc đặt ra những điều kiện, tiêu chuẩn rập khuôn cho mọi lĩnh vực trong cơ quan nhà nước đã dẫn đến tình trạng người dư năng lực chuyên môn nhưng thiếu bằng cấp liên quan buộc phải mua bằng giả. Tất nhiên, việc đặt ra các tiêu chuẩn nhằm ngày càng nâng cao chất lượng cán bộ công nhân viên chức là điều cần thiết, nhưng nó không thể áp dụng rập khuôn cho tất cả các vùng miền, lĩnh vực công tác.

Do vậy để hạn chế việc sử dụng bằng giả trong các cơ quan nhà nước, thiết nghĩ phải có chế tài rà soát hồ sơ chặt chẽ trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức; có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp sử dụng bằng giả đồng thời thay đổi tư duy tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua bằng cấp. Trình độ của một cá nhân dễ dàng có thể nhận biết qua việc thực hiện một bài thi hoặc một cuộc phỏng vấn. Bằng cấp có thể giả nhưng trình độ thực sự thì không thể làm giả.

Phan Việt

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều