+
Aa
-
like
comment

Đại gia xăng dầu lãi lớn giữa đại dịch: Người dân, doanh nghiệp vận tải méo mặt

23/07/2021 12:25

Giá xăng tăng dựng đứng khiến doanh nghiệp vận tải, người dân chịu nhiều sức ép, trong khi đó lợi nhuận của các đại gia xăng dầu trong nước vẫn “phình to”.

Nhiều người thẳng thắn đặt câu hỏi: Trong khi hầu hết các lĩnh vực, dịch vụ đều đang cố chịu thiệt một chút để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quá khó khăn do dịch bệnh thì tại sao ngành xăng dầu “án binh bất động”, trong khi doanh nghiệp xăng dầu vẫn báo lãi lớn?

Đại gia xăng dầu lãi lớn giữa đại dịch: Người dân, doanh nghiệp vận tải méo mặt - 1
Giá xăng RON95 vượt mốc 21.000 đồng/lít.

Xăng ngày càng đắt, người dân hoang mang

Trong kỳ điều chỉnh gần nhất (12/7), giá xăng E5RON92 tăng vượt mốc 20.610 đồng/lít, xăng RON95-III vượt mốc 21.783 đồng/lít. Cùng đó, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng từ 221 – 452 đồng mỗi lít hoặc kg tùy loại.

Lý giải việc giá xăng dầu tăng vọt trong kỳ điều chỉnh gần đây, Liên bộ Tài chính – Công Thương cho biết do chu kỳ 15 ngày qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh ở mức trên 4% với xăng và khoảng 1% với dầu. Nhà điều hành đã phải tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng ở mức 1.300 đồng/lít với xăng E5RON92 và 350 đồng/lít với xăng RON95.

Tuy vậy, lý giải này vẫn không đủ sức thuyết phục dư luận khi mà giá xăng dầu tăng chóng mặt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh khó khăn và nhất là các dịch vụ khác đang linh hoạt điều chỉnh để gánh bớt khó khăn này cho người dân, doanh nghiệp.

Anh Hoàng Văn Cường (30 tuổi, quê Thái Bình), tài xế taxi tại Hà Nội, cho biết mỗi 100km di chuyển, xe anh tiêu tốn 8,5 – 10 lít xăng. Tính trung bình, mất gần 1 lít xăng cho quãng đường 10km. Xe anh Cường có 2 tài (chia ca), mỗi ngày đêm chạy xấp xỉ 150km, trong đó khoảng 120km có khách.

Với giá xăng hiện tại, riêng tiền nhiên liệu đã mất hơn 300.000 đồng, anh Cường than thở sau khi trừ các chi phí như phí chỗ đón khách, tiền gửi xe, khấu hao… thì “lời lãi chẳng đáng bao nhiêu”. Nhưng những tài xế như anh Cường vẫn ngày ngày phải đánh xe xuống đường, bất chấp nguy cơ vì phải lo cho gia đình và gánh nặng từ lãi vay ngân hàng khi mua xe trả góp.

Theo một tài xế chạy Grab, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, khách đi xe “ôm” công nghệ không nhiều, anh chủ yếu chuyển qua ship hàng. Tuy nhiên, quãng đường ngắn, cộng giá xăng tăng mạnh khiến thu nhập của anh giảm sút đáng kể. Trừ tiền nhiên liệu, tiền phần trăm cho Grab, tài xế này chỉ kiếm được trên dưới 200.000 đồng mỗi ngày. “Nhiều lúc tính nghỉ chạy, chờ hết dịch nhưng ở nhà thì đói, tiền đâu gửi về quê cho vợ con”, tài xế này cho biết.

Xăng tăng phi mã, liên tục cũng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải “choáng váng”. Ông Đỗ Văn Bằng – Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát – cho biết doanh nghiệp đang phải oằn minh chống chọi với dịch bệnh COVID-19. Nay giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh càng khiến doanh nghiệp thêm “khó thở”. “Dịch bệnh phức tạp, khách ngày có ngày không, xe nằm bãi hoặc chạy cầm chừng. Thêm giá nhiêu liệu tăng cao doanh nghiệp sợ không cầm cự được”, ông Bằng chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách lớn chuyên tuyến Thái Bình – Hà Nội nhưng hãng xe Phiệt Học cũng không tránh khỏi lao đao vì giá xăng “nhảy múa” và dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Ông Tô Quang Học – Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học Số 5 – cho biết doanh nghiệp vận tải đang chịu tác động kép bởi dịch bệnh và giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.

Theo ông Học, hiện giá xăng dầu chiếm 30 – 40% đơn giá vận chuyển hàng khách nên việc giá xăng, dầu tăng ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí vận tải. “Dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, xe chạy đa phần trống chỗ. Từ vài chục đầu xe trước đây, nay chúng tôi chỉ duy trì vài chuyến để giữ khách. Thêm giá xăng, dầu tăng cao thì doanh nghiệp chết hẳn. Không biết lấy tiền đâu trả lương nhân viên, bến bãi, nợ vay ngân hàng. Thậm chí giờ có bán xe cũng chẳng ai dám mua”, ông Học than thở.

Đại gia xăng Việt lãi nghìn tỷ đồng

Có một thực tế là các đại gia xăng dầu trong nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn đang kiếm được cả ngàn tỷ đồng lợi nhuận. Trong năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp song Petrolimex vẫn ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất hơn 1.252 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lãi ròng hơn 1.092 tỷ đồng.

Đại gia xăng dầu lãi lớn giữa đại dịch: Người dân, doanh nghiệp vận tải méo mặt - 2
Ông lớn xăng dầu lãi trên nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Doanh thu cả năm của Petrolimex cũng đạt hơn 123.919 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều những tên tuổi đình đám khác như Vingroup (110.462 tỷ đồng), Thế giới Di động (108.546 tỷ đồng), Hòa Phát (90.119 tỷ đồng), Masan (77.218 tỷ đồng)…

Quý I năm nay, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 38.247 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ và lãi ròng ghi nhận 661 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.900 tỷ đồng).

Với riêng công ty mẹ, lãi sau thuế trong quý đạt 363 tỷ đồng dù cùng kỳ thua lỗ 2.316 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do năm nay giá xăng, dầu tăng giúp hoạt động kinh doanh có lãi.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Petrolimex đang ở mức 64.512 tỷ đồng, tăng gần 6% sau 3 tháng. Nguyên nhân do tăng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.

Trong năm 2021, Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tăng 9% lên 135.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.360 tỷ đồng, gấp 2,4 lần kết quả 2020. Ông lớn ngành xăng dầu cũng dự kiến năm nay sẽ hoàn thành việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng tại PG Bank.

Bỏ quỹ bình ổn, để thị trường điều tiết giá

Chia sẻ với PV trước thực trạng giá xăng liên tục tăng và ngày càng đắt, ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cho biết giá xăng dầu chiếm khoảng 35 – 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải nên khi giá xăng, dầu biến động tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Giá nhiên liệu đầu vào tăng liên tục tăng và tăng cao như thời gian qua đã ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng”, ông Liên nói.

Không chỉ ngành vận tải, giá xăng dầu tăng còn kéo theo chi phí sản xuất tăng, khiến giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. “Việc giá xăng dầu tăng sẽ có nguy cơ đẩy giá các mặt hàng theo kiểu “té nước theo mưa”, ông Liên nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Liên cho rằng giá xăng, dầu tăng mạnh là việc “chẳng đặng đừng” do giá dầu thế giới tăng cao, trong khi giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá thế giới bởi lượng lớn xăng dầu tiêu thụ trong nước được nhập khẩu. Nhà điều hành chính sách giá đã “cân đo đong đếm”’ rất nhiều nhưng dù muốn hay không, giá xăng dầu Việt Nam cũng phải được điều chỉnh tăng theo giá thế giới.

Từ đó ông Liên cho rằng, để kiềm chế giá xăng, cơ quan quản lý nên tính toán sử dụng quỹ bình ổn cho linh hoạt, hợp lý. Về lâu dài tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, cho nhiều doanh nghiệp vào tham gia, để thị trường tự điều tiết giá xăng dầu.

Bộ Công Thương cho biết trong kỳ điều chỉnh gần đây, nhà điều hành đã phải tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng và trích lập quỹ cho các mặt hàng dầu. Do chi quỹ bình ổn giá liên tục ở mức cao như trên nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở từ kỳ điều hành ngày 11/1 đến nay đã tăng từ 35-50%, trong khi giá xăng dầu trong nước tăng 28,5-33,6%.

Do đó, kỳ điều hành lần này nếu không tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá, giá các loại xăng sẽ tăng từ 1.217 – 2.150 đồng/lít (xăng E5RON92 tăng 2.150 đồng/lít, RON95 tăng 1.217 đồng/lít) so với giá hiện hành.

Hòa Bình

Bài mới
Đọc nhiều