Đại diện Tổng cục Thuế: ‘Chúng tôi không tranh cãi với Grab nữa’
Đại diện Tổng cục Thuế phản bác lại ý kiến chỉ trích của Grab rằng không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trả lời PV, ông Nguyễn Đức Huy – Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế nói: “Chúng tôi không tranh cãi với Grab nữa, Tổng cục Thuế đã làm việc và giải thích cho Grab rồi, Nghị định 126 không làm thay đổi với nghĩa vụ thuế, thậm chí với lái xe còn giảm đi”.
Ông Huy cũng cho biết, trong Nghị định này, Chính phủ đã nói rất rõ đối với loại hình kinh doanh doanh nghiệp hợp tác với cá nhân thì doanh nghiệp phải thực hiện kê khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.
“Đối với Công ty TNHH Grab, họ đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thì phải kê khai thuế GTGT đối với hoạt động vận tải này là 10% trên toàn bộ doanh thu. Tổng Cục thuế đang dự thảo văn bản để trả lời cho Grab rõ hơn việc này”, ông Huy nói thêm.
Ông Huy cũng cho biết, điểm mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP chỉ là quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh giữa tổ chức với cá nhân.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có quy định mới về chính sách thuế GTGT. Chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Như vậy, Nghị định 126/2020/NĐ-CP không làm tăng nghĩa vụ của tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải, do thuế suất thuế GTGT 10% đối với hoạt động kinh doanh vận tải không thay đổi.
Nói cách khác, doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10%. Cụ thể, hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế GTGT và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa doanh nghiệp và cá nhân.
Như vậy, các doanh nghiệp hợp tác kinh doanh với cá nhân như Grab, Goviet, Bee… có trách nhiệm khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân (thuế suất 1,5%) cho tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.
“Cách tính thuế mới này nhằm thu thuế GTGT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh, lái xe chỉ có trách nhiệm nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm và sẽ không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay mà trách nhiệm nộp thuế GTGT thuộc về doanh nghiệp”, ông Huy khẳng định.
Trước đó, sau buổi làm việc kín với Tổng cục Thuế chiều 9/12, đại diện Grab Việt Nam tuyên bố “rất thất vọng” khi kết quả làm việc không đạt được một kết quả tích cực nào vì “Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế VAT”.
Đại diện Grab cho rằng “Tổng cục Thuế đã không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán khi khẳng định rằng tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế VAT cho khoản doanh thu của mình”.
Trên thực tế, theo Công văn 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể: phần doanh thu của Grab phải chịu thuế VAT 10%; còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.
Grab cho rằng văn bản trên của Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là người nộp thuế theo Điều 4 Luật Thuế VAT.
Ngày 5/12, Nghị định 126 có hiệu lực thi hành quy định mức thuế VAT với ứng dụng gọi xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Số tiền khấu trừ của Grab trên mỗi cuốc xe gồm tiền hoa hồng cho hãng, tiền thuế VAT 10% và tiền thuế thu nhập cá nhân cho tài xế là 1,5%. Theo đó, tỷ lệ khấu đã gộp tiền thuế và tiền hoa hồng cho hãng tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841%.
Để bù lại mức thuế VAT tăng, Grab ra thông báo điều chỉnh tăng giá cước GrabBike cơ bản trên toàn quốc ở mức 6%. Giá cước hiện tại của GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.
Grab cho biết việc tăng cước để bù vào mức tăng thuế, sẽ tác động giảm thu nhập của tài xế GrabBike khoảng 1-2%/năm.
Sau khi Grab tăng giá cước và tăng khấu trừ, ngày 7/12, nhiều tài xế Grab đã tắt ứng dụng, tụ tập và diễu hành tại một số điểm ở Hà Nội và TP.HCM để phản đối chính sách mới của công ty này.
PV/VTC