Đại diện Pfizer: Chúng tôi không đàm phán vaccine với các doanh nghiệp
Pfizer cho biết công ty này sẽ chỉ đàm phán việc mua vaccine với các chính phủ và các tổ chức xuyên quốc gia, thay vì các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
“Trong giai đoạn đại dịch, Pfizer trên toàn thế giới sẽ chỉ cung cấp vaccine Covid-19 cho các chính phủ trung ương và các tổ chức xuyên quốc gia để triển khai các chương trình tiêm chủng quốc gia”, Pfizer Việt Nam trả lời PV qua email.
“Việc phân bổ liều lượng và kế hoạch thực hiện trong một quốc gia là quyết định của các chính phủ dựa trên hướng dẫn, tư vấn của cơ quan y tế liên quan”, theo thư trả lời.
Pfizer Việt Nam từ chối trả lời về việc đàm phán do quá trình thương thảo vẫn đang diễn ra.
Công ty này cho biết thêm mục tiêu của Pfizer là sản xuất trên 2,5 tỷ liều vaccine Pfizer/BioNTech trong năm 2021, bao gồm mở rộng khả năng sản xuất, tăng cơ sở cung cấp các nguyên liệu chính, và bổ sung thêm các cơ sở sản xuất gia công vào chuỗi cung ứng.
Hiện Pfizer có hai dây chuyền chuyên sản xuất vaccine, một ở Mỹ và một ở châu Âu.
Trước đó, ngày 17/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cơ quan đang phối hợp với các ban, ngành khác để chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vaccine với Pfizer.
Như vậy, Việt Nam có thể có 31 triệu liều vaccine của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV trong năm nay.
Trong bối cảnh các ca nhiễm không ngừng gia tăng tại các khu công nghiệp sản xuất, một số doanh nghiệp Việt Nam đã ngỏ ý muốn tự mua vaccine để sớm khôi phục sản xuất.
“Doanh nghiệp mong muốn được chung tay tìm nguồn và chi trả chi phí, đóng góp kinh phí chia sẻ gánh nặng với chính phủ”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể tiếp cận nguồn vaccine thông qua các đối tác, bạn hàng. Tuy vậy, từ việc tiếp cận đến việc mua về và tiêm cho người lao động cần sự hướng dẫn rất cụ thể của ngành y tế.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 31/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo không để bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào có nguồn mua được vaccine Covid-19 ngay mà lại không mua về.
Tính đến chiều hôm 31/5, Bộ Y tế cho biết đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt một và hai với hơn 1,1 triệu liều. Trong đó, số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 30.602.
Bộ Y tế cũng đang đàm phán với nhiều đơn vị sản xuất vaccine phòng Covid-19 như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)… với mục tiêu có đủ và đa dạng vaccine phục vụ người dân, phấn đấu cuối năm 2021 đạt được miễn dịch cộng đồng.
Hiện Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine trong nước.
Bên cạnh đó, tính đến chiều 1/6, Việt Nam có 36 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu vaccine Covid-19 và kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine.
Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 có thể liên lạc với các công ty này.
Về quy trình bảo quản, Pfizer cho biết sau khi nhận được vaccine trong các thùng hàng có đảm bảo nhiệt độ, đơn vị nhận vaccine có các lựa chọn sau: tủ đông âm sâu (với nhiệt độ âm cực thấp) – được bán trên thị trường và có thể kéo dài thời hạn sử dụng lên đến sáu tháng; các thùng hàng được có kiểm soát nhiệt đặc biệt của Pfizer; các thiết bị làm lạnh và tủ đông thường có trong bệnh viện.
Các thùng hàng của Pfizer có thể được sử dụng như các thiết bị lưu trữ tạm thời trong thời gian tối đa 30 ngày lưu trữ, bằng cách thay đầy đá khô vào mỗi năm ngày một lần.
Trong khi đó, với nhiệt độ tủ lạnh, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt các vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech có thể được bảo quản trong tối đa 31 ngày ở 2-8 độ C.
Minh An