Đại diện Bộ GTVT: Công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long không phải của TQ
Đại diện Bộ GTVT cho biết, dự án sửa chữa cầu Thăng Long chỉ đang chờ một số cán bộ kỹ thuật của Trung Quốc đi theo thiết bị rải bê tông bản rộng để hỗ trợ, chuyển giao, vận hành.
Liên quan đến dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội), trên một số trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc, dự án được thực hiện theo công nghệ Châu Âu nhưng đang phải phụ thuộc vào chuyên gia Trung Quốc.
Đồng thời, một số người đặt ra vấn đề phải chăng dự án này đang sử dụng công nghệ, nhà thầu Trung Quốc?
Trao đổi với PV vào sáng 3/9, đại diện Bộ Giao thông vận tải khẳng định, thông tin cho rằng, dự án sửa chữa cầu Thăng Long sử dụng công nghệ, nhà thầu Trung Quốc hoàn toàn không chính xác.
Theo đại diện Bộ GTVT, khi lên phương án sửa chữa cầu Thăng Long, Bộ GTVT đã nghiên cứu công nghệ của Mỹ và Nga, tuy nhiên khi chuyên gia các nước sang khảo sát đều không đưa ra được cam kết đảm bảo chắc chắn sửa chữa triệt để công trình và chi phí cao.
Do đó, nhóm chuyên gia hàng đầu về cầu đường tại Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm rất kỹ lưỡng để đưa ra quyết định ứng dụng công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC để sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Việc này có sự tham gia góp ý, phản biện, tư vấn của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Đại diện Bộ GTVT nêu rõ, công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC, đã được nghiên cứu và phát triển tại châu Âu, áp dụng tại nhiều nước như Hà Lan, Pháp, Nhật, Trung Quốc… Công nghệ UHPC cũng đã được nghiên cứu đưa vào tiêu chuẩn Việt Nam
“Phải khẳng định ngay công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC không phải của Trung Quốc mà do các GS.TS, chuyên gia đầu ngành của trường ĐH Giao thông vận tải, chuyên gia đầu ngành cầu đường trong nước nghiên cứu, áp dụng vào sửa chữa mặt cầu Thăng Long”, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với thông tin dự án đang phải chờ chuyên gia Trung Quốc, đại diện Bộ GTVT lý giải, trong quá trình tổ chức thi công, ngoài trạm trộn bê tông siêu tính năng và xe chuyên dụng được nhập khẩu từ Châu Âu thì đơn vị nhà thầu thi công trong nước có nhập một số thiết bị rải bê tông bản rộng Trung Quốc (do Việt Nam chưa có nhiều thiết bị này) phù hợp đúng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho công tác thi công.
Về nguyên tắc, khi mua thiết bị, phía bán hàng cử một số cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ chuyển giao, vận hành.
Tuy nhiên do dịch bệnh Covid -19 nên đội ngũ kỹ thuật chưa sang được Việt Nam và đang phải họp trực tuyến với nhà thầu.
“Theo dự kiến hôm nay nhóm cán bộ kỹ thuật sẽ có mặt ở Việt Nam và thực hiện cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, kỹ sư của chúng ta đã có thể vận hành các thiết bị phục vụ cho dự án.
Về tiến độ của dự án hiện vẫn đang đảm bảo theo đúng yêu cầu đề ra, không có chuyện chậm trễ”, đại diện Bộ GTVT nêu rõ.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, dự án sửa chữa cầu Thăng Long (tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng) đã hoàn thành lắp đặt 2 trạm trộn bê tông, 2 nhà mái che di động dài 240 m để phục vụ sửa chữa.
Tuy nhiên, có 2 nút thắt với tiến độ dự án, cụ thể, ngoài vấn đề chuyên gia nước ngoài còn là việc chậm nhập thiết bị đinh neo.
Theo đó, toàn bộ đinh neo phục vụ dự án nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chậm về Việt Nam, dự kiến 11/9 mới về đến công trường, việc hàn đinh neo sẽ do công nhân Việt Nam thực hiện.
Trước đó, tại buổi kiểm tra hôm 31/8, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu phải tiến hành ngay, không thể vì chờ đợi chuyên gia nước ngoài để ảnh hưởng đến tiến độ.
“Theo kế hoạch, cầu Thăng Long phải thông xe trước 31/12 năm nay, không thể phụ thuộc vào lịch phía họ là 5/9 hoặc sau đó, như vậy công việc sẽ khó khăn, gây chậm tiến độ dự án”, ông Thể chỉ đạo.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, bắt đầu thi công từ ngày 16/8. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa năm 2009; giai đoạn 2012 – 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.
Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.
Hoàng Đan/TT