Đại dịch Covid-19: Tìm hướng đi mới cho nền kinh tế
Với dịch Covid-19 đợt 2 này, khi mà dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta tiếp tục hồi hộp và vui mừng đếm từng ngày cộng đồng không có ca lây nhiễm mới. Nhưng nguy cơ dịch bệnh trở lại cũng rất lớn, khi trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Dịch bệnh kết thúc khi nào là chuyện khó đoán định. Vậy làm thế nào để nền kinh tế không bị suy thoái bởi tác động của đại dịch chờ đợi ở phía trước là vấn đề mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Kinh tế ngấm sâu tác động từ đại dịch
Covid đợt 1, chúng ta thắng trận đầu ngoạn mục, sau 99 ngày bình yên, Covid đợt 2 ập đến. Dưới dự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với những điều trị mang tính chiến thuật, phù hợp cho từng giai đoạn, tới lúc này có thể khẳng định, chúng ta đã kiểm soát được Covid đợt 2. Cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta những bài học lớn, từ điều hành của Chính phủ tới hành vi, ứng xử của từng người dân.
Việc sớm kiểm soát được dịch bệnh, giúp Việt Nam bớt được những tổn thất về người và của, nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Nhưng với độ mở cao của nền kinh tế, khi kinh tế toàn cầu lao đao vì Covid-19, thì kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu ngấm tác động của đại dịch này. Gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tăng trưởng điện ở mức 1,6%, nằm trong mức so sánh tăng 10% đến 12% của các năm trước đây, cho thấy sản xuất đã giảm mạnh. Du lịch, dịch vụ vận tải, kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thời trang tiếp tục là những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về khả năng dịch còn kéo dài.
Kinh tế Việt Nam an toàn sau đại dịch
Có nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi thương trường vì dịch (hơn 34 nghìn doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động). Nhưng cũng có hơn 32 nghìn doanh nghiệp quay trở lại thương trường với con số tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó gần 22 nghìn doanh nghiệp dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, vận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống; tiếp đến là hành nghìn doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng. Một điều chắc chắn là các doanh nghiệp đã quay trở lại với một diện mạo mới, định hướng mới để tìm cơ hội phát triển trong năm đặc biệt khó khăn này. Với khối doanh nghiệp sản xuất, chờ đón khối đầu tư nước ngoài do hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do thế hiện mới như CPTPP, EVFTA… Nhiều doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng liên kết, hợp tác đầu tư, là đối tác phụ trợ cho các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thương mại trực tuyến được đẩy nhanh nhờ cú hích của Covid-19 cũng khiến nền kinh tế năng động hơn, mở ra nhiều hướng cho doanh nghiệp và tăng cơ hội cho những ngành, nghề mới.
Bài toán cho nhà quản trị, điều hành đất nước để nền kinh tế không bị đóng băng
Để nền kinh tế không bị đóng băng, làm thế nào để vượt qua khó khăn này? Tìm cách thay đổi, sống chung, thích ứng để tồn tại và phát triển. Đó là bài toán vô cùng khó đặt ra từ nhà điều hành, quản trị đất nước, cho tới mỗi người dân, chủ doanh nghiệp. Từ những khó khăn đặt ra, tác giả cho rằng nên ràng buộc về chính sách khi thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ. Các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Chẳng hạn như giảm giá điện đồng loạt hay tiền thuê đất mà không có tiêu chí phân loại rõ ràng sẽ làm kém hiệu quả và tốn nguồn lực. Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch, chia thành các cấp độ chính sách hỗ trợ và cứu trợ. Trong mọi hoàn cảnh, cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn khả năng hoạt động có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh đầu tư công không phải phê duyệt thêm dự án mới mà thực hiện những dự án đã được phê duyệt, đã nằm trong kế hoạch ngân sách, có nguồn vốn sẵn có để chi tiêu. Đi cùng với đầu tư công là biện pháp cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu. Trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như giữ nền tảng vĩ vô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau dài hạn. Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19. Mặt khác cũng cần tính đến việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.
Dịch Covid-19 sẽ chỉ là một trong vô vàn những thách thức sẽ xuất hiện trong một thế giới bất định. Thay đổi để thích ứng không còn là xu thế mà là giải pháp, là con đường cần đi của mỗi cá nhân cho tới các tổ chức trong xã hội. Xin được dẫn lời Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh khi kết luận phiên họp của tiểu ban kinh tế – xã hội Đại hội Đảng lần thứ XII “Trong khó khăn, giá trị đất nước, giá trị dân tộc được nâng lên. Và trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, Thủ tướng cho rằng, quản trị, điều hành đất nước cũng cần có sự nhạy cảm hơn để thích ứng, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước. Đây là những điều cần được nêu trong dự thảo Phương hướng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 và 10 năm tới”.
Diệu Hương
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả