+
Aa
-
like
comment

Đại dịch Covid-19: lạc quan nhưng không thể chủ quan

Diệu Hương - 09/11/2020 17:47

Những quán bia kín người, các nhà hàng nườm nượp khách ra vào; chợ, siêu thị, các điểm vui chơi giải trí, lễ hội đông đúc. Nhưng ở các nơi này rất nhiều người đều không đeo khẩu trang. Những chai dung dịch khử khuẩn mấy tháng trước được các nhà hàng, cửa hiệu để trước cửa nay đã vắng bóng. Mọi người đang dần quên nỗi lo lắng về dịch bệnh Covid-19 và xuất hiện tâm lý chủ quan lơ là.

Việc 2 nhân viên khách sạn Mường Thanh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trở thành ca F1 do không thực hiện biện pháp phòng bệnh khi tiếp xúc với người được cách ly ngay sau khi nhập cảnh là một ví dụ cụ thể. Qua đây cũng thấy có sự lỏng lẻo trong quy trình thực hiện cách ly tại khách sạn và hoạt động chưa hiệu quả của các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Sau khi xảy ra vụ việc này, Sở Y tế Hà Nội mới lập các đoàn kiểm tra, chấn chỉnh việc phòng dịch ở khu vực cách ly, không để lây nhiễm dịch bệnh xảy ra trong quá trình cách ly phòng chống dịch.

Nước ta đã trải qua hai đợt chống dịch lớn vào tháng 3 và tháng 7. Nhưng chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Việc nằm trong các quốc gia được bạn bè quốc tế đánh giá là thành công trong phòng chống dịch Covid-19, đến hôm nay, Việt Nam đã trải qua 67 ngày không ghi nhận ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng. Tại Hà Nội là 82 ngày và tại Thành phố Hồ Chí Minh là 99 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Trong thời gian qua, số ca mắc mới Covid-19 tại nước ta hầu hết là những ca nhập cảnh đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam.

Nhìn rộng ra trên thế giới, chưa có nước nào có thể tự tin cho là phòng, chống dịch Covid-19 tốt nhất. Hiện dịch bệnh vẫn đang lây lan với tốc độ nhanh. Thế giới có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay là khoảng 49 triệu ca. Trong đó có hơn 1 triệu 230 nghìn ca tử vong. Nhiều nước Châu Âu phải lập lại các biện pháp phong tỏa hoặc áp đặt các lệnh hạn chế mới.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắc xin điều trị rộng rãi. Đây chính là hồi chuông cảnh báo để nước ra phải triển khai các giải pháp chặt chẽ và thận trọng hơn trong phòng, chống dịch Covid-19, tránh nguy cơ phải đối diện với dịch bùng phát trở lại.

Nguy cơ lây nhiễm vẫn thường trực ở các địa phương do vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng. Nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp hoặc trái phép. Thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan. Người dân, chính quyền đã có tình trạng lơ là, mất cảnh giác.

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh: Việt Nam kiên định thực hiện mục tiêu kép, nhưng phải đảm bảo an toàn. Chính vì thế, cùng với tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, thì việc chủ động phòng chống dịch, tuyên truyền, tăng cường ý thức phòng chống dịch, thực hiện nguyên tắc trong cộng đồng là một giải pháp vô cùng cần thiết. Đeo khẩu trang thường xuyên là phương án chống dịch đơn giản, hiệu quả nhất, cùng với đó là công tác phát hiện nhanh, truy vết, cách ly có tính chất quyết định mức độ lan của dịch. Giãn cách xã hội nhằm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, triệt để dập dịch. Điều quan trọng nhất là cần nói không với tâm lý chủ quan, lơ là, bởi sai một ly, đi một dặm. Khi tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp. Những nơi nào phòng dịch có vẻ lơi lỏng phải siết lại, xác định rõ nguy cơ, không xem nhẹ dịch bệnh.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều